Tới 14h30' ngày 9/5, giá vàng 9999 của SJC tăng thêm 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và bán, lên mức 89,3 triệu đồng/lượng (bán ra). Theo đó, chỉ trong vòng 1 ngày thì giá vàng miếng SJC đã đắt thêm 1,6 triệu đồng mỗi lượng, qua đó vượt mốc kỉ lục 89,1 triệu đồng/lượng.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức một số phiên đấu thầu vàng, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn, vì lượng vàng cung ứng ra thị trường ít, do nhiều yếu tố. Nguồn cung trên thị trường vàng hạn chế đã dẫn đến việc tăng giá nói trên.
Giá vàng thế giới đứng quanh ngưỡng 2.316 USD/ounce, tăng 7 USD/ounce so với đầu giờ sáng. Còn tại hệ thống Doji Hà Nội, giá vàng SJC bán ra tăng 400.000 đồng/lượng so với 10 giờ sáng 9/5, giao dịch là 86,80 - 88,30 triệu đồng/lượng
Vào trưa 9/5, giá vàng SJC giao dịch 86,50 – 88,80 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với phiên sáng cùng ngày. Trong khi đó vào phiên sáng 9/5, giá vàng bán ra là 88,50 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với cuối ngày 8/5.
Nhiều dự báo gần đây cho rằng, vàng sẽ chịu áp lực giảm trong mùa hè năm nay, có thể trong tháng 5-6 do Fed vẫn sẽ trì hoãn đảo chiều chính sách tiền tệ, qua đó khiến đồng USD đứng ở mức cao.
Tuy nhiên, dần về cuối năm, vàng sẽ tăng trở lại và có thể lập đỉnh cao mới. Fed hiện rất lo lắng lạm phát có thể tăng trở lại và nếu cắt giảm lãi suất sớm có thể không kiểm soát được giá cả hàng hóa.
Trong bối cảnh giá vàng trong nước đang “một mình một chợ”, các chuyên gia khuyến cáo nên thận trọng đầu tư thời điểm này vì rủi ro rất lớn. Ngân hàng Nhà nước cần sửa ngay Nghị định 24 xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho phép nhập khẩu vàng.
Trước đó, để ổn định thị trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xử lý ngay và luôn chênh lệch vàng trong nước, thế giới. Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan quản lý "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết", khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
TN (SHTT)