Từ sau khi được lựa chọn trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia, giá vàng SJC ngày càng trở nên đắt đỏ hơn trước và tạo ra mức chênh lệch giá kỷ lục với giá vàng thế giới.
10 năm, chênh lệch giá tăng 400%
Chốt phiên cuối năm 31.12.2011, giá vàng thế giới quy đổi tương đương 40,06 triệu đồng/lượng khi được giao dịch ở mức 1.565 USD/ounce. Cùng thời điểm tại thị trường trong nước, giá vàng SJC được mua bán ở mức 42,38 – 42,68 triệu đồng/lượng. Giá vàng các thương hiệu khác như SBJ của Sacombank, PNJ của Phú Nhuận hay Rồng vàng Thăng Long của Bảo tín Minh Châu được mua trong khoảng 41,25 – 41,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,65 – 42,60 triệu đồng/lượng bán ra.
Đây là thời điểm vàng miếng SJC chưa được chọn là thương hiệu vàng quốc gia và chịu sự cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu khác. Chênh lệch giữa giá vàng SJC với các thương hiệu khác là không quá rõ rệt. Thậm chí nếu so với giá vàng thế giới, giá vàng SJC lúc này cũng chỉ cao hơn 2-2,3 triệu đồng/lượng, mức chênh đủ bù đắp cho các chi phí thuế, bảo hiểm, vận chuyển, nhập khẩu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tuy nhiên kể từ sau thời điểm ngày 10.7.2012 khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành và Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành nghị định này có hiệu lực, vàng miếng SJC chính thức được lựa chọn trở thành thương hiệu vàng quốc gia và bắt đầu có mức tăng đột biến bất thường về giá so với các thương hiệu khác cũng như chênh lệch cao kỷ lục với giá vàng thế giới.
Sau đúng 1 năm, trong phiên giao dịch cuối năm vào 29.12.2012, giá vàng SJC leo lên ngưỡng 45,8 – 46,40 triệu đồng/lượng theo sau những biến động của giá vàng thế giới. Nhưng chính vào thời điểm này, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới vọt tăng lên 4,6 triệu đồng khiến không ít người dân có nhu cầu mua vàng và các nhà đầu tư tỏ ra hụt hẫng.
Bởi ở thời điểm này, giá vàng thế giới quy đổi chỉ tương đương 41,8 triệu đồng/lượng. Với mức chênh 4,5 triệu đồng, đây cũng là năm đầu tiên ghi nhận mức chênh lệch kỷ lục giữa giá miếng SJC với giá vàng thế giới, chỉ ít tháng sau khi SJC được lựa chọn trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia.
Bước sang đầu tháng 11.2021, giá vàng miếng trong nước một lần nữa lập kỷ lục mới khi có thời điểm tạo khoảng chênh lệch tới 9 triệu đồng mỗi lượng so với giá vàng thế giới.
Thực tế vào chiều tối nay (2.11), giá vàng miếng SJC đang được giao dịch ở mức giá 57,85 – 58,55 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới quy đổi (49,90 triệu đồng/lượng) tới 8,65 triệu đồng mỗi lượng, mức cao nhất từng được ghi nhận tính từ thời điểm ngày 10.7.2012 khi Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn thi hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực.
Độc quyền vàng miếng có còn phù hợp?
Nhiều ý kiến cho rằng, sự thiếu hụt cung cầu là lí do chính khiến vàng miếng SJC liên tục tăng giá và tạo chênh lệch kỷ lục với giá vàng thế giới cũng như với các thương hiệu vàng trong nước khác dù có cùng chất lượng vàng 99,99%.
Trong kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho hay, từ khi có Nghị định 24/2012, NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu và cũng ngừng tổ chức đấu thầu vàng miếng từ cuối năm 2013. Do đó hiện nguồn cung vàng miếng trên thị trường đang có tín hiệu rất khan hiếm, nhất là khi giá vàng quốc tế tăng mạnh như thời gian vừa qua.
Đáng chú ý, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng kiến nghị NHNN trình Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 24/2012 theo hướng: NHNN sẽ không sản xuất vàng miếng và cũng không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền, mà nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo khối lượng, tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhấn mạnh, theo quy định hiện hành (Luật NHNN Việt Nam, Pháp lệnh quản lý ngoại hối…), NHNN là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp nên việc giao NHNN sản xuất vàng miếng tại nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng là không còn phù hợp ở thời điểm hiện nay vì vàng miếng cũng là hàng hóa.
Theo Lam Duy (Lao Động)