Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 9/2023, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 3,63 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 8 vừa qua, nước ta nhập khẩu 12,2 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 30,49 triệu USD, tăng 29,2% về lượng và tăng 55,6% về trị giá so với tháng 8/2022. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm 2023 lượng thịt lợn nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu thịt lợn trung bình về Việt Nam đạt 2.502 USD/tấn, tăng 20,4% so với tháng 8/2022.
Lũy kế 8 tháng năm 2023, nước ta ta chi hơn 173,1 triệu USD để nhập khẩu 66,95 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, tăng 3,2% về lượng và tăng 25,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty chăn nuôi Lộc Phát BLLT (Sơn La), cho biết, đã qua tháng 7 Âm lịch (thời điểm số người ăn chay gia tăng), mùa bước vào mùa tựu trường đã đến với những bếp ăn tập thể hoạt động trở lại nhưng sức tiêu thụ thịt lợn trên thị trường vẫn rất yếu.
Dịp này, dịch tả lợn châu Phi lại diễn biến phức tạp. Các hộ chăn nuôi sợ dịch bệnh tấn công trang trại nên bán tháo chạy đàn. Doanh nghiệp chăn nuôi cũng đẩy mạnh bán lợn 2 máu thải loại ra thị trường.
“Cầu không tăng nhưng cung tăng nên giá quay đầu giảm mạnh”, ông Bắc nói.
Cách đây 5 ngày, trang trại của doanh nghiệp ông Bắc xuất bán 1.000 con lợn hơi thương phẩm với giá 54.000 đồng/kg, lỗ 150.000 đồng/con lợn khi xuất chuồng.
Theo ông, giá thức ăn chăn nuôi đã có vài đợt điều chỉnh giảm. Cộng dồn từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 1.000 đồng/kg, song giá thành sản xuất vẫn ở ngưỡng 55.000-56.000 đồng/kg. Do đó, những người chăn nuôi lợn như ông lại phải gồng lỗ.
Hiện tại, giá lợn hơi xuất chuồng giảm còn 53.000 đồng/kg, về sát đáy thời điểm đầu năm.
“Từ đầu năm đến nay, số tháng người chăn nuôi lợn chịu thua lỗ nhiều hơn số tháng được thu lãi”. Ông tâm sự, doanh nghiệp của ông chăn nuôi ở quy mô lớn, tự chủ được con giống, giá thành sản xuất sẽ thấp hơn các hộ dân. Thời điểm tháng 7-8 vừa qua, giá lợn tăng giúp doanh nghiệp có lãi, song chưa thể bù được khoản lỗ đầu năm.
Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp xuất bán khoảng 2.000 con lợn thương phẩm ra thị trường. Với giá như hiện nay mỗi tháng có thể lỗ vài trăm triệu đồng, ông chia sẻ.
Ghi nhận giá lợn hơi ngày 4/10, tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 54.000-56.000 đồng/kg; khu vực miền Trung có giá 53.000-55.000 đồng/kg; miền Nam giá từ 51.000-54.000 đồng/kg - là khu vực mức giá thấp nhất cả nước.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường của Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng thừa nhận, giá lợn hơn giảm về mức 51.000-54.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ có loại lợn đẹp nhất người nuôi mới bán được giá 54.000 đồng/kg. Với lợn xấu một số nơi thậm chí còn bán dưới 50.000 đồng/kg.
Về nguyên nhân giá lợn hơi giảm khá sâu, vị đại diện này cho biết, mặt bằng chung nguồn cung không dư thừa. Tuy nhiên, do trong một thời điểm ngắn người chăn nuôi sợ dịch bệnh diễn biến phức tạp nên phá đàn bán tháo. Lợn chưa đủ cân đã ồ ạt bán ra, giá lại càng rẻ.
Cùng với đó, thời điểm trước khi giá lợn có xu hướng giảm, một số doanh nghiệp và trang trại lớn có tâm lý chờ giá tăng. Theo đó, lợn đến lứa xuất chuồng vẫn giữ lại. Bây giờ trọng lượng lớn buộc phải bán. Loại lợn này được xếp vào hàng thừa cân, giá cũng rẻ hơn so với mặt bằng giá trên thị trường.
“Ai cũng muốn bán nhanh, thị trường không thể hấp thụ hết nên giá càng giảm sâu”, vị này cho hay.
Đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp đã thông báo điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi. Theo đó, mức giảm giá nhỏ nhất là 80 đồng/kg, lớn nhất là 200 đồng/kg tuỳ loại.
Theo đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, giá thành chăn nuôi lợn được cấu thành bởi 4 yếu tố gồm: giá cám, năng suất sinh sản, năng suất nuôi và chất thải. Nếu không xét trường hợp ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, giá thành chăn nuôi lợn hơi ở mức 55.000-57.000 đồng/kg. So sánh với giá bán hiện nay, người nuôi lợn chịu lỗ khoảng 400.000-500.000 đồng/kg.
Phải hết tháng 10 giá lợn hơi mới có thể phục hồi. Nhưng khả năng cao cuối năm nay nguồn cung mặt hàng này sẽ thiếu hụt. Bởi, không chỉ dân mà các trang trại lớn và doanh nghiệp chăn nuôi cũng đang bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, vị đại diện này nhận định.
Theo Tâm An (VietNamNet)