Sáng ngày 16/2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT dẫn đầu đoàn công tác của Bộ này xuống làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong ngành để nằm bắt tình hình phòng ngừa dịch cúm gia cầm và dịch bệnh trên lợn cũng như chuyện tái đàn lợn.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, để chăn nuôi an toàn sinh học chi phí lên rất cao. Hiện giá thành sản xuất con giống không dưới 1,2 triệu đồng/con. Còn tính giá thành lợn thương phẩm hiện xấp xỉ 55.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo việc đưa giá thực phẩm ổn định, bền vững, hiện giá lợn hơi nơi cao nhất của doanh nghiệp là 76.000 đồng/kg, thấp nhất 73.000 đồng/kg tùy theo vùng và trung bình khoảng 75.000 đồng/kg, ông So chia sẻ.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ, trước Tết có thời điểm giá lợn hơi tăng lên trên 90.000 đồng/kg, tuy nhiên, nhằm chia sẻ với người chăn nuôi, người tiêu dùng cả nước C.P giữ giá lợn không vượt quá 85.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, sau khi có sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, doanh nghiệp đã giảm giá lợn liên tục trong vòng 1 tháng, từ 85.000 đồng/kg xuống 78.000 đồng/kg. Mới đây nhất, ngày 16/2, C.P giảm tiếp 3.000 đồng/kg xuống còn 72.000 - 75.000 đồng/kg.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc các doanh nghiệp giảm giá lợn chính là vì tương lai của ngành chăn nuôi, của chính các doanh nghiệp chăn nuôi lợn. Bởi việc giá lợn hơi quá cao không chỉ ảnh hưởng xấu tới chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số lạm phát mà còn hệ lụy tới nhiều lĩnh vực khác.
Đặc biệt là giá lợn quá cao có thể khiến người chăn nuôi tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát dẫn tới mất cân đối cung cầu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn Châu phi vẫn còn xảy ra lác đác tại một số tỉnh, thành.
Theo Bộ trưởng, bảo vệ thị trường chăn nuôi bền vững, nếu giá lợn cứ tăng thì người tiêu dùng quay lưng lại, thiếu gì các loại gà ngon, thủy sản ngon, trứng ngon như thế mà ăn mãi rồi quen, đến lúc không ăn thịt lợn nữa. Đồng thời, khi lợi nhuận cao quá thực phẩm khác nhập vào mà không kiểm soát được sau này muốn lấy lại thị trường thì mất đà.
“Cái quan trọng nhất là muốn ăn nhiều phải biết ăn dè, ăn vừa phải, xã hội và doanh nghiệp gặp nhau chia sẻ giá thành đến giá này thôi. Sản xuất vừa phải sẽ lâu dài chứ tăng quá thì không được”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Trước đó, tại Hội nghị Hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm xuống mức giá 75.000 đồng/kg. Bởi theo Bộ trưởng, giá lợn hơi ở mức 75.000 đồng/kg là hợp lý. Các doanh nghiệp chăn nuôi đầu ngành phải biết bảo vệ thị trường, sản xuất bền vững. Phải gặp người tiêu dùng ở một điểm đó là văn hóa. Giá thịt lợn phải ở mức độ hợp lý, hài hòa. Còn giữ giá thịt lợn quá cao sẽ khiến người tiêu dùng quay lưng vì họ có rất nhiều lựa chọn khác như: tôm, trứng, cá.
Theo C.Giang (VietNamNet)