Giá thép trong nước giảm 'sốc' lần thứ 13 liên tiếp

10/08/2022 09:50:19

Trong đợt điều chỉnh giá mới nhất, mỗi tấn thép trong nước tiếp tục giảm thêm tới 1,31 triệu đồng. Chỉ trong 3 tháng qua, giá mặt hàng này đã giảm 13 lần liên tiếp.

Ghi nhận trên VietNamNet, nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục thông báo hạ giá sản phẩm từ ngày 8/8, với mức giảm trung bình từ 200.000-310.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT), cá biệt có doanh nghiệp giảm tới 1,31 triệu đồng/tấn.

Cụ thể, theo SteelOnline.vn, thương hiệu thép Pomina giảm mạnh nhất. Hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của thép Pomina tại khu vực miền Trung được điều chỉnh giảm lần lượt là 1,31 triệu đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn, kéo giá bán xuống còn 14,98 triệu đồng/tấn và 16,39 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, 2 sản phẩm trên của thép Pomina giảm 300.000-310.000 đồng/tấn, còn lần lượt là 15,89 triệu đồng/tấn và 16,19 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Hòa Phát cũng điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc, giá bán còn 14,88 triệu đồng/tấn và 15,74 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, thép Hòa Phát cũng giảm 300.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá bán sau điều chỉnh lần lượt là 14,98 triệu đồng/tấn và 15,64 triệu đồng/tấn.

Hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc của thương hiệu thép Việt Nhật cũng giảm lần lượt 200.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn, giá bán còn 14,75 triệu/tấn và 15,35 triệu đồng/tấn.

Giá thép trong nước giảm 'sốc' lần thứ 13 liên tiếp
Giá thép xây dựng trong nước giảm lần thứ 13 liên tiếp với mức giảm lên đến 1,31 triệu đồng/tấn. Ảnh Internet

Thương hiệu thép Việt Ý cũng giảm 300.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và giảm 260.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, kéo giá bán xuống còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thép Việt Đức có mức giảm 300.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và 260.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, kéo giá bán xuống còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.

Cùng xu hướng, thép Việt Mỹ hạ giá bán sản phẩm thép cuộn CB240 và D10 CB300 tại khu vực miền Trung với mức giảm lần lượt là 300.000 đồng/tấn và 400.000 đồng/tấn, giá bán còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,1 triệu đồng/tấn.

Như vậy, đây là lần giảm thứ 13 của giá thép trong nước kể từ 11/5 và lần giảm giá thứ hai trong tháng 8. Trong vòng gần 3 tháng qua, mức giảm giá cao nhất lên tới gần 5 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, loại thép và vùng miền. Hiện giá thép dao động quanh mốc 14-16 triệu đồng/tấn tùy loại thép và thương hiệu.

Nhận đình về nguyên nhân khiến giá thép trong nước liên tục giảm, Zing đưa tin, theo Tập đoàn Hòa Phát - doanh nghiệp nắm giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng và ống thép với tỷ lệ lần lượt 36,2% và 28,8%, giá thép toàn cầu đã trải qua nhiều nhịp điều chỉnh giảm từ giữa quý II. Lạm phát làm giảm sức mua của người tiêu dùng cùng với chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc khiến nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu chủ lực này bị thu hẹp.

Trong khi đó, nhu cầu trong nước cũng giảm do ảnh hưởng bởi xu hướng chung. Giá bán giảm trong khi giá vốn cao dẫn đến việc Hòa Phát phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lên tới 575 tỷ đồng và khiến biên lãi gộp suy giảm.

Nhận định về triển vọng cuối năm, lãnh đạo Hòa Phát cho biết giá nguyên vật liệu đang giảm rất nhanh, nhất là giá than quay đầu giảm 64% so với đỉnh, hay giá quặng sắt giảm xuống chỉ còn dưới 100 USD/tấn.

"Về nhu cầu thị trường, việc Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách Zero Covid và ngành xây dựng vào mùa cao điểm từ tháng 9 là những yếu tố khả quan làm nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trên thế giới cao trở lại. Cầu thép trong nước thông thường cũng tăng vào quý cuối năm do yếu tố mùa vụ", lãnh đạo Hòa Phát đánh giá trên Zing.

PN (Nguoiduatin.vn)