Anh Ngô Quốc Đông, trú tại Phú Cát (Quốc Oai, Hà Nội) chuẩn bị khởi công xây nhà thì giá sắt thép xây dựng vừa qua liên tục tăng mạnh, khiến anh đứng ngồi không yên. “Không biết giá thép có tăng nữa không, chỉ hơn tuần nay giá đã lên cả triệu đồng/tấn”, anh Đông lo lắng.
Theo dự kiến, vợ chồng anh Đông bỏ ra khoảng 1,7 tỷ đồng để xây dựng một căn nhà 3 tầng theo kiến trúc mái thái trên diện tích 70 m2. Anh phân tích, thông thường tiền sắt thép chiếm 20% giá thành toàn bộ ngôi nhà, giá thép xây dựng tăng như vậy có thể phát sinh thêm vài chục triệu đồng.
“Biết giá thép lên cao thế này, trước Tết bỏ ra mấy chục triệu đặt cọc mua trước, lúc đó giá thép chỉ 17 triệu đồng/tấn. Giờ này thì đành bó tay”, anh Đông tiếc nuối.
Trên thị trường, ghi nhận của PV cho thấy giá sắt thép xây dựng ngày 14/3 tại một số đại lý vật liệu xây dựng ở Hà Nội tăng chóng mặt. Chẳng hạn, sắt D10 CB300 của Hòa Phát đang có giá dao động khoảng 18,5 triệu đồng/tấn, sắt Việt Ý dao động quanh mức 18,45 triệu đồng/tấn.
Vừa xây xong móng nhà, anh Nguyên Văn Vui (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) ngã ngửa khi giá sắt thép đột nhiên tăng dựng đứng, trong khi các hạng mục còn lại của ngôi nhà cần rất nhiều đến sắt. Anh cho hay, anh mới chỉ đặt mua 10 tấn để làm móng, còn các hạng mục khác anh sẽ phải mua với giá rất cao.
Chỉ trong hai tuần đầu tháng 3, tại các đại lý vật liệu xây dựng quanh khu An Khánh, giá thép đã tăng 1-2 triệu đồng/tấn.
“Công trình của tôi cần thêm 30 tấn thép mới xong phần thô. Nếu biết tăng cao vậy thì đặt mua thời điểm trước tháng 3 có thể tiết kiệm thêm được vài chục triệu đồng. Chưa kể, khâu hoàn thiện, các loại sắt như mỹ thuật, cửa nhôm kính cũng theo đó mà tăng mạnh”, anh Vui nói.
Còn với ông Nguyễn Ngọc Hiển, một chủ thầu, chuyên nhận khoán các công trình xây dựng, cũng khóc ròng khi rơi vào thế tiến không đươc, lui cũng không xong.
Ông Hiển cho biết, ông đang nhận công trình khoán trọn gói, bao gồm công xây dựng và nguyên vật liệu, với giá 5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, mấy ngày vừa qua, ông cho anh em thợ tạm dừng công việc để thỏa thuận lại giá thành với chủ đầu tư vì giá sắt thép xây dựng tăng quá mạnh.
“Với giá thép tăng nhanh vậy, mọi tính toán trước đó có thể không đủ tiền trả nhân công, vì thế phải thỏa thuận với chủ đầu tư yêu cầu họ hỗ trợ thêm 10-12% thì mới có lãi. Chưa kể, công trình còn 3 tháng nữa mới xong, nếu giá sắt thép tiếp tục tăng tôi cầm chắc lỗ nặng”, ông Hiển chia sẻ.
Đối với các chủ đầu tư chuyên mua đất xây nhà để bán, giá sắt thép xây dựng tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của họ.
Đơn cử, anh Nguyễn Đức Quỳnh (La Phù, Hà Nội), một người chuyên mua đất rồi xây nhà bán, lo ngại, nếu giá sắt thép xây dựng vẫn tiếp tục tăng, chắc chắn giá thành xây dựng sẽ bị đội lên cao, ảnh hưởng rất nhiều đến giá bán nhà sau này. “Đương nhiên, giá nhà cao, khách hàng sẽ phải cân đối, việc thanh khoản sẽ chậm hơn”, anh Quỳnh nhẩm tính.
Anh Hiếu, một chủ đại lý sắt thép xây dựng ở Hòa Lạc, Thạch Thất, cho hay, thời gian qua, cửa hàng của anh đã nhiều lần điều chỉnh giá sắt thép xây dựng theo diễn biến giá chung của thị trường.
“Tùy vào từng thương hiệu thép đang bán tại cửa hàng có mức tăng khác nhau. Tính bình quân, tuần đầu tiên của tháng 3, cửa hàng đã phải điều chỉnh tăng thêm 500.000 đồng/tấn, sang tuần thứ hai tăng tiếp 600.000 đồng/tấn”, anh Hiếu cho hay.
Tại khu vực miền Bắc, từ đầu tháng 3, các hãng thép đã có ba lần điều chỉnh giá. Cụ thể, giá thép cây D10 CB300 Hòa Phát từ ngưỡng 17,12 triệu đồng/tấn (đầu tháng) tăng lên 17,42 triệu đồng/tấn (ngày 4/3), rồi 17,83 triệu đồng/tấn (ngày 6/3) và 18,43 triệu đồng/tấn (ngày 11/3).
Tương tự, giá thép xây dựng Việt Ý được điều chỉnh tăng ba lần. Giá thép cây D10 CB300 từ 17,07 triệu đồng/tấn lên mức 18,38 triệu đồng/tấn hiện nay. Thép cây xây dựng loại D10 CB300 từ 17,46 triệu đồng/tấn tăng lên 18,78 triệu đồng/tấn.
Tính chung, giá bán buôn thép xây dựng các loại đã tăng từ 600.000-1,4 triệu đồng/tấn.
Theo Ngọc Cương (VietNamNet)