Hàng loạt ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất hệ thống vừa chính thức phát đi cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng diễn ra trong thời gian qua.
Cụ thể trong thông báo mới nhất vừa được Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát đi, ngân hàng này cảnh báo về việc một số đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo.
Thủ đoạn phổ biến là đối tượng lợi dụng những hình ảnh hội thảo, biển tên cán bộ giả mạo và các hoạt động chung có logo BIDV để liên hệ với khách hàng qua Zalo, Facebook giả danh là cán bộ BIDV. Khi khách hàng đã tin tưởng, đối tượng hứa hẹn có thể cho vay vốn với khoản vay không lớn (dưới 100 triệu đồng) và yêu cầu khách hàng nộp khoản tiền là “phí bảo hiểm rủi ro” từ 1-2 triệu đồng với mục đích chiếm đoạt số tiền trên. Ngay sau khi nhận được số tiền trên, khách hàng không thể liên lạc với đối tượng giả mạo này nữa.
BIDV khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác và luôn xác minh mọi lời mời chào từ những người lạ, có nhiều dấu hiệu khả nghi. BIDV khẳng định các loại phí dịch vụ liên quan đến giao dịch đều được BIDV thu trực tiếp từ khách hàng và cung cấp chứng từ hợp lệ.
Trước thông báo của BIDV, Vietcombank cũng đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền. Theo ngân hàng này, có hàng loạt phương thức lừa đảo mới mà tội phạm đang sử dụng như mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến ngân hàng (đặc biệt là ví điện tử) yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ. Người dùng ví điện tử khi đăng tải câu hỏi lên website/fanpage của ví điện tử sẽ bị đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên của ví rồi liên hệ, hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để khắc phục lỗi dịch vụ. Ngoài ra, cũng theo cảnh báo từ Vietcombank, đối tượng lừa đảo còn mạo danh là cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu, rửa tiền, mua bán ma túy để yêu cầu cung cấp các thông tin dịch vụ ngân hàng hoặc cài đặt dịch vụ theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.
“Luôn giữ bí mật thông tin các dịch vụ ngân hàng điện tử gồm tên truy cập/mật khẩu truy cập/mã xác thực giao dịch một lần và thông tin thẻ (số thẻ/mã PIN/ngày hết hạn/mã CVV/mã CVC). Tuyệt đối không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ ai thông qua bất kỳ phương thức giao tiếp nào (email, tin nhắn, trao đổi miệng...)” - Vietcombank đưa khuyến cáo.
Trước đó, ngân hàng Agribank cũng khuyến cáo khách hàng về một số thủ đoạn như đối tượng gửi email/tin nhắn có chứa link truy cập vào webiste của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Theo Agribank, thực chất đây là các website giả mạo nhằm đánh cắp thông tin người dùng. Kẻ gian cũng lừa khách hàng cài đặt phần mềm, ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng.
Theo Cẩm Hà (Lao Động)