Chị Lê Thị Huyền ở Cầu Giấy (Hà Nội) cùng chồng đi kỷ niệm ngày cưới ở Phú Quốc vào ngày 17/3 tới. Tuần trước, chị mới hoàn tất việc đặt vé máy bay, phòng khách sạn dù chị biết đắt hơn đặt sớm một chút. Còn 2 ngày trước này lên đường, chị mới hoàn thành việc book tour đi đảo Thổ Chu. “Mọi việc gần như hoàn tất trong vòng hơn 1 tuần”, chị Huyền nói.
Thường thì hàng năm, để đặt một chuyến đi vào tháng 3 (mùa thấp điểm) như thế này, chị Huyền phải đặt vé máy bay, phòng khách sạn từ cuối năm ngoái, khi hàng không nội địa tung ra các chương trình khuyến mãi mùa thấp điểm.
Giờ chị không phải vội. Vé máy bay đến sát ngày đi về cơ bản vẫn rẻ hơn rất nhiều. Phòng khách sạn cũng đầy, giá lại mềm. Vì thế, với chuyến đi hè thường lệ hàng cho cả nhà, chị chưa có ý định đặt. Theo chị, giờ vẫn là “quá sớm” để lựa chọn điểm đến và ngày đi vì mọi thứ còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh.
Dịch Covid-19 khiến thói quen du lịch của nhiều người thay đổi rõ rệt. Thời điểm này, có nhu cầu, có thời gian và sắp xếp được công việc, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, nên nhiều người tranh thủ cơ hội có cơ hội là lên đường ngay.
Chị Hoàng Bắc, một đại lý du lịch có kinh nghiệm nhiều năm, cho hay, một khách sạn 5 sao nổi tiếng ở Nha Trang giảm giá combo vé máy bay - phòng khách sạn hơn 50% từ tháng 3 tới tháng 5, cộng thêm nhiều ưu đãi nên khách du lịch ồ ạt đăng ký mua. Đến nay, lượng phòng đã hết sạch trong tháng 4 và khách sạn đã đóng booking. Một số khách đăng ký muộn phải lùi sang tháng 5, giá combo đã tăng thêm hơn 1 triệu đồng/người.
Hiện là mùa thấp điểm, các khách sạn, resort từ 3 đến 5 sao ở các điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn,... đua nhau giảm giá đến 50% kèm theo nhiều dịch vụ hấp dẫn như tặng bữa ăn, nâng hạng phòng, không phụ thu cuối tuần, đưa tiễn sân bay,... để lôi kéo khách. Khách đăng ký mua combo cũng khá nhiều, nhưng chủ yếu là nhóm bạn, cặp vợ chồng chứ ít khi cả gia đình đi dịp này do trẻ còn đi học, chị Hoàng Bắc nói.
Theo chị, nếu đi du lịch dịp này, khách vừa trả chi phí thấp, chẳng hạn có tour 3 ngày 2 đêm đi Phú Quốc trước 6-7 triệu, nay chỉ còn hơn 2 triệu. Chưa kể, điểm đến vắng khách, lại có thêm nhiều dịch vụ gia tăng. Tuy nhiên, khách thường đặt dịch vụ lẻ, combo vé máy bay - phòng khách sạn chứ không đặt trọn tour trọn gói như trước, đề phòng rủi ro dịch bệnh.
Một nhân viên Công ty CP dịch vụ du lịch và thương mại T.P. chia sẻ hiện lượng khách hỏi thông tin, đăng ký đặt vé, phòng khách sạn tăng cao, nhất là cho dịp cao điểm 30/4-1/5 sắp tới. Do vậy, giá bắt đầu nhích lên, đặc biệt là dịp cuối tuần. Các điểm đến được khách lựa chọn nhiều là Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng,... Do vậy, nếu khách thu xếp được thời gian, công việc đi trong thời điểm này là lợi nhất.
Ở phía Bắc, nếu đi gần, các điểm đến được du khách lựa chọn nhiều là Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La,... tâm lý mọi người vẫn tránh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, theo giám đốc một công ty du lịch.
Do đó, việc 3 vạn du khách đi chùa Hương (Hà Nội) ngày khai hội hay 5 vạn người đổ về chùa Tam Chúc (Hà Nam) cuối tuần qua, nhìn ở khía cạnh tích cực, theo vị giám đốc này, là minh chứng cho nhu cầu đi du lịch, đi lễ hội tăng cao, nhất là khi dịch bệnh tạm lắng. Tất nhiên, chính quyền địa phương cần có cách tổ chức hợp lý và đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách.
Trung tâm Thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch) cho hay, theo số liệu từ Google, nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch nội địa tăng mạnh trở lại, đặc biệt là sau khi Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19
Cụ thể, từ giữa tháng 2 trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch của khách nội địa tăng cao so với hồi đầu năm, thậm chí cuối tháng 2 có thời điểm nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch tăng đến 30% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này phản ánh thực tế nhu cầu đi lại du lịch của người dân vẫn rất cao và đang bị dồn nén bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, sẵn sàng đi du lịch trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là nhu cầu tìm kiếm thông tin hàng không của khách không có nhiều cải thiện, có thời điểm giữa tháng 2/2021 thấp hơn 80% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm thông tin về cơ sở lưu trú có xu hướng tăng trở lại. Điều này cho thấy khách du lịch có xu hướng tìm kiếm những điểm đến gần, đi ngắn ngày, đi bằng phương tiện cá nhân là chủ yếu.
Song, theo Trung tâm Thông tin Du lịch, đây là những tín hiệu tích cực phản ánh dấu hiệu phục hồi của nhu cầu du lịch trong nước, có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, đặc biệt là mùa du lịch hè đang đến gần và chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, nghỉ lễ 30/4-1/5.
Theo Ngọc Hà (VietNamNet)