Những ngày sau Tết, các cánh đồng trồng hoa màu hai bên bờ sông Trà Khúc khá im ắng. Trên thửa ruộng một sào trồng đậu cô ve, bà Nguyễn Thị Tuyết, xã Tịnh An (TP Quảng Ngãi) cho biết, trước Tết Mậu Tuất, giá đậu dao động 10.000 - 20.000 đồng mỗi kg. Nhưng từ 30 Tết đến nay, giá chỉ còn 1.000 đồng một kg.
"Vợ chồng tôi tranh thủ được đồng nào hay đồng đó, nhiều người không muốn hái vì không đủ trả tiền công", bà Tuyết than.
Giá đậu cô ve chỉ còn 1.000 đồng một kg khiến nông dân để trái già ngoài đồng. Ảnh: Phạm Linh.
Khác với năm ngoái, lũ lụt làm phần lớn rau màu hư hại, khiến giá đậu cô ve lên cao kỷ lục, trung bình khoảng 30.000 đồng mỗi kg và đạt 50.000 đồng vào dịp Tết. Năm nay, thời tiết thuận lợi giúp nông dân được mùa thì giá lại giảm sâu.
Ngoài đậu cô ve, các loại rau khác cũng chịu cảnh rớt giá. Dưa leo từ 18.000 đồng (thời điểm 10 ngày trước Tết) xuống còn 2.000 đồng, thấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, khổ qua khoảng 18.000 đồng mỗi kg trước Tết xuống còn 2.000 đồng. Rau muống, xà lách, mồng tơi... còn 2.000 - 3.000 đồng mỗi kg.
Người dân cho biết một số hộ đã dùng thuốc cỏ phun để hoa màu phân hủy vì cho rằng giá sẽ còn xuống thấp nữa.
Chị Nguyễn Thị Minh Hòa ở xã Tịnh An cho biết, gia đình còn giữ lại nửa sào rau muống làm thức ăn và bán lai rai. Nửa sào đậu ngoài đồng, chị hái về rồi lựa những trái già cho bò ăn, còn lại trái non đem bán. "Giá thấp không muốn hái nên còn chủ yếu là đậu già. Đậu non bán cũng chẳng bán được mấy đồng", chị Hòa nói.
Chị Hòa đổ đậu cho bò ăn vì giá xuống thấp. Ảnh: Phạm Linh.
Xã Tịnh Long, Tịnh An, Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng ở TP Quảng Ngãi là vựa rau lớn nhất tỉnh, cung cấp cho các chợ lớn nhỏ ở địa phương, cạnh tranh với rau từ Đà Lạt và những nơi khác nhập về. Dù giá thấp, nhưng rau ở chợ này vẫn ế ẩm.
Bà Trần Thị Hòa, tiểu thương có thâm niên 15 năm buôn rau cho biết, chưa bao giờ giá rau xuống thấp như năm nay. "Giá thấp mà chúng tôi đem đến chợ vẫn không có người mua", bà Hòa nói và cho rằng chuyện này "chưa từng thấy", rất khó lý giải.
Trong khi đó, một số tiểu thương cho rằng nhiều người dân tự trồng rau ăn Tết có thể là một phần nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ rau ở chợ giảm.
Theo Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, vụ Đông Xuân, toàn tỉnh có 1.000 ha đất trồng rau. Ông Phạm Bá - Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt cho rằng năm nay thời tiết thuận lợi, rau phát triển tốt nên "được mùa, mất giá". Ông cho hay rau sản xuất trong tỉnh phần lớn bán ở chợ, diện tích trồng rau an toàn chỉ khoảng vài chục hecta.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Âu - Chủ tịch Hội đồng thành viên một công ty sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch ở Quảng Ngãi cho biết, do giá thành sản xuất cao, rau xanh an toàn của công ty vẫn giữ giá cao nhưng cũng rơi vào tình trạng khó tiêu thụ.
Ông Âu cho rằng để giữ được thị trường ổn định và đảm bảo đời sống cho người dân ở các vùng chuyên canh rau, nhà nước cần quản lý, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc rau để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
"Nếu việc này được làm tốt sẽ giúp các thương hiệu thực phẩm nói chung và rau đứng vững. Người nông dân sẽ thấy cần thiết phải tham gia vào các hiệp hội, hợp tác xã quản lý việc truy xuất nguồn gốc để sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn", ông nhận định.
Theo Phạm Linh (VnExpress.net)