Nhà ở xã hội nhận được ưu đãi từ chính sách của nhà nước về tiền sử dụng đất, thuế... Vì vậy, giá nhà xã hội thấp hơn so với nhà ở thương mại. Theo đó, đối tượng mua nhà phải đủ điều kiện mới được mua.
Theo quy định, sau 5 năm, nhà ở xã hội được chuyển nhượng bình thường như nhà ở thương mại. Thời điểm này, nhiều nhà ở xã hội đã đủ điều kiện bán cho đối tượng tự do. Theo đó, nhà ở xã hội có xu hướng tăng mạnh. Thậm chí, có nơi tăng giá gấp đôi so với ban đầu.
Dự án nhà ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) với hơn 600 căn hộ. Dự án được bán từ năm 2016 với giá 14 triệu đồng/m2. Dự án có 80% nhà ở xã hội. Sau khi bàn giao nhà vào năm 2017 cho đến nay, giá bán lên mức 30 triệu đồng/m2.
Hay như dự án nhà ở xã hội tại Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) do HUD làm chủ đầu tư. Dự án được bàn giao năm 2016 với giá bán hơn 13 triệu đồng/m2, thế nhưng đến nay giá căn hộ tại đây lên 31 triệu đồng/m2.
Còn nhà ở xã hội Rice City Sông Hồng (Long Biên, Hà Nội). Cách đây 5 năm, dự án được bán với giá hơn 13 triệu đồng/m2 nhưng nay giá lên mức 28 triệu đồng/m2.
Một dự án nhà ở xã hội Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) là dự án nhà ở xã hội lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội với hơn 300 căn giá hơn 8 triệu đồng/m2 cách đây hơn 10 năm. Nay mỗi m2 căn hộ tại đây lên tới 31,5 triệu đồng/m2.
Theo các chuyên gia, nhà ở xã hội tăng giá bởi nguồn cung nhà hạn chế. Còn Bộ Xây dựng cho biết, trong khoảng 400 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai đầu tư trên cả nước, có tới 245 dự án đang trong cảnh "nằm chờ" hoàn thành thủ tục đầu tư.
Bộ Xây dựng đánh giá, bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội, thị trường bất động sản hiện đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.
Cụ thể, cơ cấu sản phẩm bất động sản còn bất hợp lý. Chẳng hạn, phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa, trong khi phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình lại ngày càng vắng bóng và thậm chí biến mất trên thị trường nhà ở.
Trong giai đoạn 2011-2020, cả nước chỉ thực hiện được 248 dự án nhà ở xã hội với khoảng 100.000 căn hộ, chỉ đạt 41,4% kế hoạch. Theo kết quả kiểm toán nhà nước về chương trình nhà ở xã hội tại Hà Nội, trong tổng số 15 dự án nhà ở xã hội, có 2 dự án chưa triển khai, 7 dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, 1 dự án không có thông tin tình hình triển khai, 2 dự án dừng triển khai và 3 dự án đã được chấp thuận chuyển đầu tư sang nhà ở thương mại. Còn tại TP.HCM, trong giai đoạn 2016-2020 đã rất nỗ lực nhưng cũng chỉ thực hiện được gần 15.000 căn hộ, đạt 75% kế hoạch.
Nhu cầu nhà ở xã hội cao trong khi đó phân khúc này còn nhiều bất cập. Hiện chỉ số giá nhà ở của nước ta cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, khiến cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó có cơ hội mua nhà ở. Trong khi đó, so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà ở chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, lao động ở độ tuổi 30 trở xuống có mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ khoản sinh hoạt phí ở những đô thị lớn như TPHCM hay Hà Nội còn dư lại khoảng 6 triệu đồng, như vậy cần ít nhất 20 năm mới tích cóp được 1,5 tỷ đồng; còn với mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng, muốn mua được một căn hộ 1,5 tỷ đồng phải tích cóp trong 10-15 năm.
Cách đây hơn 10 năm, một Thứ trưởng Bộ Xây dựng khi phát biểu về nhà ở xã hội phải thốt lên rằng: "Lương Bộ trưởng 40 năm mới mua được nhà ở xã hội". Thời điểm đó, nhà ở xã hội chỉ rơi vào tầm 8- 13 triệu đồng/m2, nhà ở xã hội vẫn bị đánh giá cao so với thu nhập của người dân.
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)