Theo ghi nhận của TTXVN, những ngày qua, giá nếp trên địa bàn tỉnh Long An bất ngờ lao dốc khiến thương lái và doanh nghiệp thua lỗ nặng. Hầu hết diện tích nếp gần tới ngày thu hoạch đã được thương lái và doanh nghiệp thỏa thuận mua giá cố định là 6.100 đồng/kg và đã đặt tiền cọc từ mức 4-5 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, khi nông dân bắt đầu thu hoạch, giá nếp liên tục giảm mạnh xuống mức 5.200-5.300 đồng/kg.
Lý do giá nếp rớt mạnh do là thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhu cầu. Nhiều doanh nghiệp thu mua vướng cảnh tồn kho, thiếu vốn dự trữ.
Ông Đặng Văn Thanh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thành (thành phố Tân An), cho hay từ trước đến nay, thị trường tiêu thụ hạt nếp thương phẩm chủ yếu là xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, chiếm 80-90% sản lượng.
Tuy nhiên, hai tuần trở lại đây tất cả các đơn đặt hàng từ các đối tác phía Trung Quốc đột ngột từ chối nhận hàng và giá hạt nếp thương phẩm giảm giá quá mạnh.
Từ mức giá giá 11.000 đồng/kg gạo nếp đã giảm xuống còn 9.600-9.700 đồng/kg, nhưng không có đợn đặt hàng để tiêu thụ.
Thị trường Trung Quốc đột ngột không nhập khẩu hạt gạo nếp đã làm cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp thu mua chế biến, thương lái thu lỗ nặng, còn nhà nông thì thu hoạch chất đống vì thương lái không thu mua kịp.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Long An, vụ Đông Xuân 2017-2018, nông dân đã trồng được 85.000 ha, với năng suất bình quân khoảng 8 tấn/ha.
Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ gạo nếp khá tốt, giá lúa nếp luôn ở mức cao đã khiến nông dân không chỉ riêng Long An mà cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đổ xô vào trồng lúa nếp.
Tuy nhiên, lúa nếp phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc. Hiện giá nếp giảm, nông dân không tiêu thụ được, cả thương lái lẫn doanh nghiệp đều không "mặn mà". Điều này khiến cây nếp bấp bênh về đầu ra.
Trước trường hợp của cây lúa nếp, vào năm 2016-2017, nông dân Việt đã có bài học đau đớn khi thương lái Trung Quốc đột ngột dừng toàn bộ việc mua lợn của Việt Nam khiến giá thịt lợn tại Việt Nam chạm đáy.
Phụ thuộc chính vào thị trường Trung Quốc, lợn của Việt Nam lại xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên họ có thể giảm, ngừng mua bất kỳ lúc nào.
Trước đó, khi giá lợn tăng, người chăn nuôi trong nước ồ ạt mở rộng đàn lợn với hy vọng bán được giá cao khi Trung Quốc thu gom. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc rất bất thường, các hộ dân tăng đàn lợn mà không lường được rủi ro. Khi thị trường đột ngột dừng mua lợn khiến người chăn nuôi khóc dở mếu dở không tìm được đầu ra.
Giá thịt lợn giảm mạnh khiến Việt Nam đã có cuộc giải cứu lợn lịch sử. Bộ NN-PTNT cũng đưa ra hàng loạt giải pháp như: giảm chi phí đầu vào; hỗ trợ tài chính, tín dụng; hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn,... và yêu cầu các địa phương cần kiểm soát việc tăng đàn, tái đàn.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT liên tục tổ chức các cuộc họp khẩn, gửi công văn "cầu cứu" Thủ tướng, gửi công văn hoả tốc kêu gọi các ban ngành, đoàn thể, người tiêu dùng cả nước ưu tiên ăn thịt lợn để giúp đỡ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hưởng ứng lời kêu gọi, các bộ ngành, đoàn thể, địa phương đồng loạt vào cuộc. Nhiều điểm bán thịt lợn bình ổn được mở ra giúp người tiêu dùng được ăn thịt giá rẻ, còn người chăn nuôi cũng có thể bớt thua lỗ.
Trên khắp cả nước, lò mổ được lập khắp nơi, cứ vài nhà chung nhau đụng một con lợn, thịt lợn mua ủng bộ bà con chăn nuôi được chế biến thành đủ các món, cấp đông đầy tủ lạnh.
Theo Minh Thái (Báo Đất Việt)