Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) thông tin, chỉ số giá lương thực toàn cầu trong tháng 3 là 159,3 điểm, tăng so với mức 141,4 điểm của tháng 2. Như vậy, chỉ số giá lương thực của FAO đã tăng gần 13% từ tháng 2 đến tháng 3. Đây là mốc kỷ lục của chỉ số này kể từ khi được ghi nhận từ năm 1990.
Kể từ giữa năm 2020, chỉ số giá lương thực toàn cầu đã tăng khoảng 75%, cao hơn kỷ lục cũ từng đạt được trong năm 2008 và 2011. Giá lương thực thế giới đã tăng liên tục trong 7 quý vừa qua, mức tăng dài nhất từ năm 2008.
FAO cảnh báo giá lương thực và thực phẩm có thể tăng cao hơn nữa. Vào tháng trước, Trung tâm Phát triển Toàn cầu công bố một báo cáo cho thấy, chi phí gia tăng do chiến tranh và hậu quả là các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ đẩy hơn 40 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực.
Ngoài ra, FAO cũng nâng cao triển vọng dự trữ ngũ cốc toàn cầu - thường là một dấu hiệu tốt cho nguồn cung - do ngũ cốc bị mắc kẹt ở khu vực Biển Đen.
Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về ngô, lúa mì, lúa mạch và dầu hướng dương qua Biển Đen. Xung đột giữa hai nước này đã tàn phá các chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Việc này khiến giá lương thực tăng lên mức kỷ lục.
Chiến sự khiến các cảng của Ukraine bị đóng cửa và nhiều tàu thuyền phải tránh tại khu vực này, nơi chiếm khoảng một phần tư tổng kim ngạch buôn bán ngũ cốc. Nông dân Ukraine, nước xuất khẩu dầu hướng dương hàng đầu, sẽ phải cắt giảm mạnh diện tích trồng trọt và vẫn đang vật lộn để xuất khẩu sản lượng đã thu hoạch. Xuất khẩu của Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến. Các lô hàng lúa mì giảm 5 triệu tấn và ngô giảm 12,5 triệu tấn so với ước tính trước đó.
Những thách thức về vận chuyển hàng hóa và tài chính cũng đang ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của Nga.
Ở những nơi khác trên thế giới, giá năng lượng và phân bón cao làm tăng chi phí sản xuất lương thực.
Thêm vào đó, nông dân trên khắp thế giới đang phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và tác động của biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ khiến hàng triệu gia súc chết ở vùng Sừng châu Phi, hay như tình trạng ấm lên toàn cầu đang khiến tình trạng mất an ninh lương thực trở nên trầm trọng hơn ở những nơi như Afghanistan.
Erin Collier, chuyên gia kinh tế tại Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, cho hay, chi phí tăng cao thúc đẩy một số quốc gia ngừng nhập khẩu, tìm kiếm nhà cung cấp mới hoặc giải phóng bớt các kho dự trữ trong nước. Tuy nhiên, đó sẽ không phải là giải pháp khắc phục lâu dài.
Khó khăn sẽ tiếp diễn vào mùa vụ tới. Ukraine đã trồng lúa mì nhiều tháng trước khi chiến sự nổ ra và FAO dự kiến sản lượng sẽ giảm ít nhất 20% vì bị phá hủy, hạn chế tiếp cận các cánh đồng hoặc thiếu nguồn lực để thu hoạch. Trong khi đó, sản xuất của Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những thách thức nhập khẩu đầu vào nông nghiệp.
"Nhìn về phía trước, đến năm 2022-2023, chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu cho thấy sản lượng sẽ giảm ở Ukraine. Sản lượng lương thực xuất khẩu thực sự phụ thuộc vào thời gian của cuộc xung đột này ", chuyên gia Erin Collier nhận định.
Theo Phương Anh (VietNamNet)