Giá lợn hơi giảm kỷ lục, vì sao người dân vẫn mua đắt?

29/05/2021 08:27:27

Giá thịt lợn ghi nhận mức thấp nhất trong một năm qua vào đầu tháng 5 và dự báo vẫn tiếp tục giảm. Tuy nhiên, giá bán tại chợ và siêu thị vẫn ở mức cao khiến không ít người tiêu dùng băn khoăn.

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, giá thịt lợn hơi ngày 28/5 tại khu vực miền Bắc dao động từ 64.000 – 70.000 đồng/kg. Tại TP Hà Nội, giá thịt lợn hơi ở mức 70.000 đồng/kg thấp hơn 1.000 đồng/kg so với hôm qua (27/5). Khu vực miền Bắc cũng là nơi có giá thịt lợn hơi thấp nhất cả nước.

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá thịt lợn hơi dao động từ 67.000 – 70.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá thịt lợn hơi giao dịch trong khoảng từ 67.000 – 70.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm này năm 2020, giá thịt lợn hơi trên cả nước đã giảm từ 30.000 – 32.000 đồng/kg.

Tuy giá thịt lợn hơi liên tục giảm và đang ở mức đáy trong vòng hơn 1 năm qua, song giá thịt lợn tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ và chợ truyền thống vẫn còn cao.

Cụ thể, tại chuỗi siêu thị Big C, giá thịt ba rọi do Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam phân phối đang được bày bán với giá 183.000 đồng/kg, thịt vai heo 115.900 đồng/kg, thịt sườn 200.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi giảm kỷ lục, vì sao người dân vẫn mua đắt?
Giá lợn hơi giảm sâu nhưng giá bán tại các siêu thị vẫn ở mức cao

Tại chuỗi cửa hàng bán lẻ Vinmart, giá thịt ba rọi là 179.000 đồng/kg, thịt vai và thịt sườn lần lượt là 149.000 đồng/kg và 150.900 đồng/kg. Trong đó, đắt nhất là loại sườn non đặc biệt có giá lên tới 286.900 đồng/kg.

So với thời điểm giá lợn hơi lập đỉnh vào cùng kỳ năm ngoái, mức giảm tại các siêu thị không đáng kể, chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng/kg. Thậm chí, một số loại thịt không có sự biến động nhiều về giá cả.

Còn tại các khu chợ truyền thống, giá thịt lợn ở mức 120.000 – 160.000 đồng/kg. Cụ thể giá thịt lợn mông, vai là 120.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 150.000 đồng/kg, đắt nhất là thị sườn có giá 160.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm năm ngoái, giá thịt giảm 25.000 – 35.000 đồng/kg.

Chị Vương Thị Nga, tiểu thương tại chợ Chính Kinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước đây, mỗi ngày chị bán được gần 1 tạ thịt lợn, chủ yếu là bán cho các cửa hàng ăn. Tuy nhiên, từ sau khi Hà Nội ban hành lệnh cấm, chị chỉ bán được khoảng 30 kg.

Giá lợn hơi giảm kỷ lục, vì sao người dân vẫn mua đắt? - 1
Chị Nga cho biết, trước đây mỗi ngày bán được gần 1 tạ thịt, giờ dịch bệnh chỉ bán được khoảng 30 kg

“Chưa bao giờ tôi thấy khu chợ vắng vẻ thế này. Trước đây, chúng tôi bán cho sinh viên, người dân chỉ trong vài tiếng buổi sáng là hết. Còn giờ, ngồi đến 12 giờ trưa vẫn còn hơn chục cân thịt. Dịch bệnh giờ ra chợ chỉ có mấy bà hàng thịt ngồi nhìn nhau”, chị Nga chia sẻ.

Lý giải với PV Tiền Phong về việc giá thịt lợn hơi giảm kỷ lục nhưng giá bán vẫn ở mức cao, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, nguyên nhân là từ khâu giết mổ đến bán hàng ở Việt Nam hiện còn qua rất nhiều nấc trung gian. Mỗi khâu lại tốn kém thêm các chi phí, dẫn đến thịt thành phẩm đến tay người tiêu dùng chưa được hưởng giá thành như mong muốn.

Cũng theo ông Trọng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp việc đi lại trở nên khó khăn, đơn vị phân phối sau khi nhập lợn với mức giá xuất chuồng đều phải tính thêm giá vận chuyển và các chi phí như an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch… do đó sẽ không tránh được phát sinh thêm các chi phí.

Ông Cường cho rằng, để giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng ở mức giá phù hợp, ngoài việc tăng tái đàn, các địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp để giảm bớt khâu trung gian từ sản xuất đến chế biến, xây dựng mô hình khép kín đến tiêu dùng.

Đại diện một trung tâm thương mại cho biết, đối với thịt lợn, các siêu thị thường phải tính giá ở một mức khung để có lãi. Dù giá lợn hơi bên ngoài có biến động ra sao, nhưng giá trong siêu thị vẫn phải duy trì trong khung đó bởi siêu thị còn phải chi trả các chi phí về giá thành mặt bằng, marketing,…

Theo Minh Thành (Tiền Phong)