Giá hàng hóa đã nhích lên, người bán và người mua đều ngầm hiểu do giá xăng tăng.
Chợ ế, tiểu thương khó tăng giá
Chị Lê Thị Hương (quận 3) kể vừa rồi chị mua mấy lốc sữa nước, tính ra giá tăng 1.000 đồng/lốc. “Mua hàng mới biết giá tăng. Giá xăng tăng mạnh quá, chắc tới đây nhiều hàng hóa khác cũng tăng theo thôi” - chị Hương không giấu được nỗi lo.
Một số tiểu thương thông tin cách đây một tuần giá đường đã nhích lên 200-300 đồng/kg. Bao 50 kg tăng lên hơn 10.000 đồng song tiểu thương khó tăng giá bán lẻ theo. Giá mua vào 14.900 đồng/kg, giá bán lẻ là 16.000 đồng/kg, không thể bán thấp giá hơn vì phải trừ hao hụt, bao bì kèm theo. Không riêng mặt hàng đường, một số thương hiệu nước mắm mỗi chai tăng 2.000-3.000 đồng. Chẳng hạn nước mắm TP cách đây một tuần lấy vô 43.000 đồng (tăng 4.000 đồng).
Hàng hóa tại một số siêu thị đã tăng giá. Ảnh: TÚ UYÊN |
Tương tự, anh Lê Văn Thành, tiểu thương chợ Trần Hữu Trang (quận 3), cho biết cách đây vài tuần, trước ngày có thông báo giá xăng tăng, một số mặt hàng sữa nước Cô gái Hà Lan, Milo, hóa phẩm… tăng một vài ngàn không rõ lý do. “Buôn bán đã khó, giá xăng tăng mạnh, các mặt hàng khác rồi sẽ tăng giá theo. Ngày càng khó khăn!” - anh Thành bày tỏ.
Doanh nghiệp lo sốt vó
Một công ty trong ngành chế biến thực phẩm công nghệ kể rằng công ty đang đàm phán với các nhà cung cấp (NCC) để tính toán lại các chi phí khi giá xăng vừa tăng quá cao. Khi bị chi phối bởi giá đầu vào tăng, NCC sẽ bán với giá cao. Tuy có hợp đồng lâu dài nhưng hai bên phải bàn bạc để hạn chế mức thấp nhất chi phí tăng. Theo DN này, phải hai, ba tháng nữa mới áp dụng giá mới được, mức tăng dự kiến 6%-10%.
DN khác ngành hàng nước giải khát cũng trăn trở, giá xăng tăng mạnh chắc chắn sẽ tác động đến chi phí đầu vào của công ty. Giá xăng chỉ vừa mới tăng nên chưa biết cụ thể đầu vào sẽ tăng bao nhiêu nhưng giá bán chỉ có thể tăng 5% vì sức mua thấp. Bên cạnh đó DN còn phụ thuộc vào tình hình thị trường, tùy các đối thủ cạnh tranh có tăng giá hay không, cung cầu thị trường…
Cùng ý kiến trên, DN trong ngành nước mắm cho biết giá một sản phẩm tăng không nhất thiết bị tác động bởi yếu tố tức thời nào (ví dụ giá xăng tăng) mà còn nhiều yếu tố liên quan khác nữa. Năm nay nguồn nguyên liệu làm nước mắm ít đi do sản lượng đánh bắt không nhiều. Qua quý II kiểm tra lại hàng tồn kho, nguồn nguyên liệu như thế nào… lúc đó mới có kế hoạch điều chỉnh giá.
Siêu thị: Đảm bảo giá hợp lý
Đại diện Siêu thị Lotte Mart cho hay từ giữa tháng 4 đến nay đã có một số NCC gửi thông báo tăng giá. Cụ thể như NCC DKSH tăng giá một số loại nhãn hiệu kẹo Fox 7%-11%. NCC Nam Nhiêntăng giá 10%-30%một số nhãn hiệu trà sen, trà đào... Một số loại rau câu cho trẻ em, kẹo… tăng 6%-10%. Còn Công ty XNK Đại Thịnh tăng giá một số loại sữa tắm dành cho trẻ em 5%-15%. “Trong thông báo NCC không nêu lý do tănggiánhưng qua trao đổi thì nguyên nhân là do giá xăng tăng” - đại diện Siêu thị Lotte Mart nhấn mạnh.
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C, cho biết hiện tại siêu thị vẫn chưa nhận được thông báo tăng giá của NCC. Với cam kết giá mang tầm chiến lược, siêu thị có giải pháp đảm bảo cho khách hàng nguồn hàng hóa đầy đủ, phong phú và giá rẻ khi mua sắm tại Big C.
Bộ Tài chính yêu cầu kiểm soát tình trạng ăn theo giá xăng Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn. Bộ Tài chính yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với các ngành liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu (cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi, giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xi măng, thép xây dựng, thức ăn chăn nuôi, gas…). Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, Sở Tài chính rà soát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; đặc biệt cần chú trọng rà soát chặt chẽ mức giá và yếu tố hình thành giá của kỳ kê khai liền kề trước. Kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường. Bộ Tài chính cho biết việc đưa ra chỉ đạo trên nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và hạn chế các hiện tượng lợi dụng việc tăng giá điện, giá xăng để tăng giá dây chuyền, tăng giá không phù hợp. Bởi việc tăng giá điện, xăng dầu có thể gây tác động nhất định đến chi phí sản xuất, giá thành và giá bán một số hàng hóa, dịch vụ. |