Giá giữ ô tô: tăng từ 1 triệu lên 5 triệu đồng/tháng
Theo Quyết định 6888 (có hiệu lực áp dụng từ đầu năm 2017) thì giá giữ ô tô của các dự án đầu tư từ vốn ngoài ngân sách trên địa bàn các quận 1, 3, 5 (bao gồm cả chung cư) mức cao nhất chỉ 1 triệu đồng/tháng đối với chung cư thường (loại III, IV); đối với chung cư cao cấp (loại I, II) thì mức cao nhất là 1,25 triệu đồng/tháng/xe. Các quận còn lại, theo giá trước đây cao nhất không quá 750.000 đồng/tháng/xe.
Thế nhưng, chỉ sau 20 tháng thực hiện Quyết định 6888, bỗng nay Quyết định 35/2018 (có hiệu lực thi hành ngày 1-10-2018) quy định mức giá giữ ô tô tăng đến 500% (gấp 5 lần) khiến mọi người phát hoảng. Quyết định này đã chia thành 2 nhóm: nhóm các dự án do các đơn vị sự nghiệp quản lý (trường, chợ, bến xe, trung tâm văn hóa…) và nhóm còn lại từ vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Do vậy người dân thắc mắc, tại sao các chung cư thường ở các quận 1, 3, 5 trước đây quy định giá chỉ 1 triệu đồng thì nay tăng thành 5 triệu đồng/tháng/xe, chung cư cao cấp trước đây giá 1,25 triệu đồng nay cũng tăng thành 5 triệu đồng/tháng/xe. Các quận còn lại, giá cũng tăng từ 750.000 đồng lên 2 triệu đồng/tháng/xe.
Tương tự, giá giữ xe máy ở các chung cư thông thường cũng tăng từ 200.000 đồng lên thành 310.000 đồng/tháng/xe. Ngoài ra, giá giữ xe lẻ, ngoài việc tăng giá, quyết định này còn thay đổi rút ngắn từng lượt gửi xe xuống chỉ còn 2 - 4 tiếng và giá giờ sau sẽ tăng lên. Đã quy định giá xe ban đêm cao hơn giá xe ban ngày, quyết định mới còn điều chỉnh cả thời gian ban đêm dài ra. Nếu trước đây giá đêm áp dụng vào lúc 21 giờ thì nay bắt đầu từ 18 giờ.
Điều này khiến giá giữ xe có thể tăng gấp nhiều lần so với trước. Chẳng hạn, người dân giữ xe máy ban ngày 6.000 đồng/lượt nhưng nếu gửi hơn 4 tiếng thì có thể bị trả gấp đôi số tiền, vì quyết định này áp giá cho “gói” giữ xe chỉ 4 tiếng. Giá ban đêm cao hơn và giá mỗi gói giữ không quá 4 tiếng đồng hồ.
Nghèo gặp eo!
Bà N.T.H. ở quận 12 than vãn, đa số người nghèo mới sống trong chung cư, phải chạy cơm từng bữa, mà Nhà nước lại tăng giá dịch vụ giữ xe - một loại phương tiện thiết yếu của người dân - như thế thì sao có thể sống nổi. Trong khi, lương nhà nước thì tăng theo tiến độ, mỗi lần chỉ vài phần trăm; thuế khoán đối với tiểu thương cũng tăng mỗi năm chỉ khoảng 10%, nhưng mức giá này chỉ trong 1 ngày tăng gấp nhiều lần là khó có thể chấp nhận.
Một người dân ở chung cư tại quận 3 bức xúc, vì phải đi làm xa nên anh mua chiếc xe hơi 400 triệu đồng, giờ giá giữ xe được Nhà nước cho phép tăng lên 5 triệu đồng thì chủ bãi xe sẽ tăng giá, lấy gì trả. Bởi anh cho biết, anh làm việc hơn chục năm, mức lương nhà nước mỗi tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng, giờ nếu giá giữ xe tăng lên 5 triệu thì tiền lương chỉ đủ để trả tiền giữ xe!
Nếu mức giá quy định này dành cho những nơi cung cấp dịch vụ xa xỉ phẩm như khu vui chơi, giải trí, siêu thị, nhà hàng... thì người dân sẽ không bức xúc. Vì giá mắc, người dân có thể không đến, cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Đằng này lại áp cho cả khu dân cư, chung cư thì rõ ràng đã đụng đến nhu cầu thiết yếu, vì người dân khó có thể dời nhà, bán xe được.
Theo luật sư Phạm Hoàn Phúc (Đoàn Luật sư TPHCM), việc quy định giá giữ xe ở chung cư thương mại với mức giá cao như vậy là không có cơ sở. Bởi vì, công trình xây dựng buộc phải có dịch vụ phụ đi kèm, nên nhà đầu tư chung cư buộc phải có trách nhiệm đầu tư bãi xe phục vụ cư dân chứ không thể xây chung cư bán hưởng lời, rồi đẩy xe cư dân ra đường để xã hội phải gánh.
Do vậy, giá giữ xe cho cư dân trong các chung cư chỉ là giá phí thuê người trông giữ xe chứ không phải trả cho hoạt động đầu tư xây dựng bãi giữ xe, nên không thể áp dụng giá trong Quyết định 35 cho chung cư được
Theo Hàn Ni (Sài Gòn Giải Phóng)