Ông Khanh cho biết từ cuối năm 2014, phía Mỹ đã thông báo đang có dịch cúm gà trên quy mô lớn. Ngay lập tức, nhiều nước như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... đã dừng nhập khẩu thịt gà từ Mỹ. Trong khi đó, tại Việt Nam, đến giữa tháng 5/2015 cơ quan quản lý mới có thông báo dừng nhập các sản phẩm từ gà của Mỹ. Như vậy suốt nhiều tháng, các lô hàng thịt gà từ Mỹ vào Việt Nam vẫn không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Theo vị này, đến tận tháng 8 vừa qua, thống kê hải quan và báo chí vẫn đưa tin lượng gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam vẫn gia tăng, kể cả số lượng, giá trị lẫn số doanh nghiệp nhập khẩu. "Vấn đề đáng nói là ở Việt Nam, khi biết rõ thị trường Mỹ đang cúm gà mà các doanh nghiệp vẫn đổ xô nhập về nước", vị này bày tỏ.
Theo Bộ Công Thương, sau thông tin dịch cúm gà đang bùng phát tại Mỹ, số lượng doanh nghiệp nhập khẩu thịt gà từ thị trường này về Việt Nam lại tăng đột biến. |
"Khả năng lớn nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu gian lận thương mại. Vì lợi nhuận, họ phớt lờ yếu tố sức khỏe của người tiêu dùng trong nước", đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Với phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp chăn nuôi trong nước, ông Khanh cho rằng cần có cái nhìn khách quan để tìm hướng giải quyết hơn là tiến hành kiện chống bán phá giá hoặc các biện pháp tự vệ đặc biệt. "Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không phải thích áp thuế 100% là được. Đối tác cũng có cơ sở khoa học để kiện lại và áp mức thuế tương ứng với sản phẩm của ta", ông Khanh nói.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng tới đây, khi TPP được ký kết, bất kể vấn đề gì xảy ra, doanh nghiệp chăn nuôi cần đánh giá sự việc chính xác để bình tĩnh hơn, thay vì cảm tính như thời gian vừa qua.
Trước đó, hồi tháng 8, việc giá thịt gà Mỹ nhập khẩu chỉ bằng nửa gà trong nước gây bức xúc dư luận. Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho rằng điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường trong nước nên đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét, điều tra việc có hay không tình trạng bán phá giá sản phẩm thịt gà Mỹ tại Việt Nam để xúc tiến thủ tục khởi kiện.