Chốt phiên sáng ngày 20.2, cổ phiếu DQC của Công ty Cổ phần Điện Quang giao dịch ở mức 54.800 đồng/CP, tiếp tục phiên “đỏ sàn” thứ 4 liên tiếp sau công văn chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 16.02. Cụ thể, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có công văn chỉ đạo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng phối hợp với các ban ngành Chính phủ khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo chí đã nêu liên quan đến khối tài sản “khủng” của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Trước quyết định của Tổng bí thư, cổ phiếu DQC đã liên tục giảm sàn 4 phiên liên tiếp, từ mức giá 59.700 đồng/CP xuống chỉ còn 54.800 đồng/CP, mất 4.900 đồng/CP.
Như vậy chỉ sau 4 phiên giảm sàn, với số lượng cổ phiếu lên tới 34% tại Điện Quang (hơn 11,78 triệu cổ phiếu), tổng tài sản của gia đình bà Thoa đã “bốc hơi” mất hơn 40 tỷ đồng. Còn tính theo thời điểm cuối năm 2016 trước khi vụ việc xuất hiện trên báo chí thì khối tài sản của gia đình bà Thoa đã giảm hơn 110 tỷ đồng.
Câu chuyện “biến động” giá cổ phiếu DQC những tuần qua, theo giới chuyên gia chứng khoán thì nguyên nhân phần lớn vẫn là tâm lý của giới đầu tư trước những thông tin liên quan đến tình hình sở hữu cổ phiếu của nguyên ban lãnh đạo và ban lãnh đạo hiện tại của DQC. Theo đó, sau khi nhiều tờ báo đặt vấn đề bất thường về khối tài sản “khủng” của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tại Điện Quang, cổ phiếu DQC đã lao dốc mạnh, từ mức giá 64.500 đồng/CP xuống chỉ còn 55.000 đồng/CP, giảm mất gần 15% giá trị (tương đương 9.500 đồng/CP).
Tuy nhiên, sau khi Bộ Công Thương lên tiếng: “Số cổ phần DQC mà bà Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương (năm 2010 - PV). Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm Thứ trưởng vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng...”, khiến 2 phiên giao dịch ngày 13.02 và 14.02, cổ phiếu DQC đã có 2 phiên tăng liên tục với mức tăng lần lượt 6,67% và 3,65% sau đà lao dốc mạnh.
Dù vậy, khối lượng khớp lệnh của DQC cũng ở mức thấp, chỉ khoảng vài chục nghìn đơn vị/phiên, nguyên nhân được đánh giá là do cổ phiếu DQC khá cô đặc do tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nội bộ lớn nên dòng tiền đầu cơ ngắn hạn khó chen chân.
Câu chuyện về cổ phiếu DQC cũng khiến nhiều nhà đầu tư “nếm trái đắng” từ khi doanh nghiệp này cổ phần hóa.
Còn nhớ giai đoạn 2006 – 2007, giá cổ phiếu Điện Quang trên thị trường OTC “cao chót vót” khi có thời điểm lên tới 220.000 đồng/CP, xếp trong top những mã cổ phiếu có giá lớn nhất thời bấy giờ. Tuy nhiên, sau khi DQC niêm yết vào năm 2008, giá cổ phiếu DQC chỉ “cầm cự” ở mức giá 220.000 đồng/CP trong vài phiên rồi “tụt dốc không phanh”. Nguyên nhân được lý giải là vì thị trường khủng hoảng, công ty xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Cuba và việc thanh toán bị chậm trễ hàng năm... Năm 2009, lợi nhuận sau thuế của DQC chỉ khoảng 4 tỉ đồng.
Thậm chí, có thời điểm DQC thua lỗ do không thu hồi được nợ khiến không ít nhà đầu tư ngậm ngùi cắt lỗ cổ phiếu DQC. Thời điểm này, cổ đông nội bộ của DQC đã mua vào. Cho đến năm 2013, DQC mới bứt phá về lợi nhuận nhờ thu hồi dần dần khoản nợ chưa được thanh toán trước đó và thị giá cổ phiếu chuyển động đi lên.
Theo báo cáo tài chính mới nhất vừa được công bố, năm 2016, doanh thu hợp nhất của công ty là 1.041 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 209 tỷ, giảm lần lượt 3,7% và 0,5% so với năm 2015.
Tính đến hết năm 2016, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cùng những người liên quan trực tiếp đến bà Thoa như em trai là chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DQC Hồ Quỳnh Hưng, mẹ đẻ và hai con gái bà Thoa, đã sở hữu tới 11,78 triệu cổ phiếu DQC, tương đương gần 34% vốn tại DQC. |