Giá điện tăng, người dân lo chi tiêu tăng
Từ ngày 10/5, giá bán lẻ điện bình quân chính thức được điều chỉnh tăng 4,8%, lên mức 2.204,06 đồng/kWh (chưa gồm VAT). Đây là lần tăng giá điện đầu tiên trong năm 2025 và là lần điều chỉnh thứ hai trong vòng 12 tháng qua.
Dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lý giải việc điều chỉnh nhằm bù đắp chi phí đầu vào, song dư luận lại lo ngại về hiệu ứng dây chuyền “té nước theo mưa”, khi hàng loạt mặt hàng thiết yếu và dịch vụ có thể đồng loạt tăng giá theo.
Theo tính toán của EVN, mức tăng hóa đơn tiền điện đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt sẽ dao động từ 4.550 đồng đến hơn 65.000 đồng/tháng, tùy vào mức tiêu thụ: Dưới 50kWh: tăng thêm khoảng 4.550 đồng/tháng; 51 - 100kWh: tăng thêm 9.250 đồng; 101 - 200kWh: tăng 20.150 đồng; 201 - 300kWh: tăng 33.950 đồng; 301 - 400kWh: tăng 49.250 đồng; Trên 400kWh: tăng khoảng 65.050 đồng.
EVN khẳng định, các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ tương đương 56.790 đồng/tháng với mức sử dụng không quá 30kWh. Tuy nhiên, nhiều hộ dân và cơ sở kinh doanh vẫn tỏ ra lo lắng.
Chị Nguyễn Huyền Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Mỗi tháng nhà tôi đã trả gần 2 triệu tiền điện. tháng vừa rồi thời tiết bắt đầu nắng nóng, các thiết bị điện hoạt động nhiều hơn, điều hòa phải dùng liên tục, chắc chi phí hóa đơn sẽ đội lên nữa. Chưa kể, sau mỗi lần giá điện tăng thường kéo theo các chi phí tiêu dùng khác cũng nhích lên. Trong khi đó, thu nhập không tăng buộc chúng tôi phải tính toán thắt chặt chi tiêu hơn”.
Không chỉ người dân, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ cũng lo ngại. Bà Trần Thị Phương, chủ một điểm bán đồ ăn sáng trên phố Dương Khuê (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ lo lắng: “Điện tăng thì tủ lạnh, quạt, đèn, máy ép, máy xay đều tốn hơn. Chưa kể giá cả nguyên liệu có thể tăng giá vì họ cũng phải trả chi phí điện cao hơn”.
Điện là yếu tố đầu vào quan trọng trong nhiều ngành: Thực phẩm, dệt may, vận tải... Khi chi phí điện tăng, doanh nghiệp khó tránh khỏi việc điều chỉnh giá thành sản phẩm.
Ông Hoàng Sơn (Đông Thọ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), chủ doanh nghiệp in ấn cũng thông tin: ““Chúng tôi phải chuyển giờ làm sang khung giờ thấp điểm, giảm bớt quạt và dùng ánh sáng tự nhiên. Đã lắp cả hệ thống điện mặt trời nhưng vẫn chưa đủ. Nếu không tiết giảm, thì buộc phải tăng giá sản phẩm”.
Cần giám sát độc lập, ngăn tăng giá đồng loạt
Các chuyên gia nhận định, nếu không có chính sách giám sát và bình ổn kịp thời, lạm phát do điện tăng là hoàn toàn có thể xảy ra, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát giá cả và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: “Việc điều chỉnh giá điện là cần thiết trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng, nhưng cần lộ trình minh bạch và chính sách đi kèm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả”.
Theo ông Trung, giá điện được rà soát và điều chỉnh định kỳ, đảm bảo minh bạch với sự tham gia của cơ quan kiểm toán độc lập. Dù vậy, cần gắn việc tăng giá với chính sách thúc đẩy tiết kiệm điện, vì giá điện tăng sẽ là gánh nặng, trong khi tăng trưởng điện phải gấp đôi tăng trưởng kinh tế, nên nếu tiêu dùng nhiều điện cũng là gánh nặng cho cả ngành điện, người dân. Việc sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được kỳ vọng sẽ tạo thêm cơ chế để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, an toàn hơn.
Luật Giá 2023 (có hiệu lực từ 1/7/2024) nghiêm cấm hành vi lợi dụng tăng giá điện để tăng giá hàng hóa trái quy định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ chế thực thi còn yếu, thiếu răn đe, trong khi người tiêu dùng không có đủ công cụ để phản ánh và giám sát.
Luật sư Hoàng Văn Hà (Công ty Luật ARC - HNLaw) nêu quan điểm: “Giá điện tăng không sai, nhưng nếu biến thành cái cớ để hàng hóa, dịch vụ tăng giá tràn lan thì rất nguy hiểm. Chúng ta cần một cơ chế giám sát độc lập, thường xuyên, minh bạch để đánh giá tác động của các đợt tăng giá điện”.
Luật sư Hà đề xuất một loạt giải pháp mang tính hệ thống như: Thành lập cơ quan giám sát thị trường độc lập hoặc hội đồng liên ngành để theo dõi tác động giá điện đến mặt bằng giá; Bổ sung quy định đánh giá tác động dây chuyền vào Luật Giá, Luật Cạnh tranh và Luật Điện lực. Đồng thời, phải minh bạch hóa chính sách điều chỉnh giá: Công khai lấy ý kiến trước khi tăng giá điện. Ngoài ra, cần tăng chế tài xử phạt các hành vi lợi dụng giá điện để đầu cơ, tăng giá trái luật.
Cũng theo luật sư Hà, nguyên nhân sâu xa khiến giá điện biến động khó kiểm soát là do phụ thuộc lớn vào nhiệt điện than và thủy điện. Đây hai nguồn năng lượng nhạy cảm với biến đổi khí hậu và chi phí vận hành. Do đó, để kiểm soát giá điện dài hạn, Việt Nam cần chuyển mạnh sang năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, và xem xét lại khả năng phát triển điện hạt nhân.
“Cần hành lang pháp lý rõ ràng về đấu nối, giá mua, trách nhiệm EVN, tránh thay đổi chính sách giữa chừng. Đề xuất sớm ban hành Luật Năng lượng tái tạo riêng, giúp ngành này phát triển minh bạch, bền vững”, luật sư Hà nhấn mạnh.
Theo Xuân Đoàn (SHTT)