Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiều 9/11, giá bán điện bình quân tăng từ 1.920,37 đồng lên 2.006,78 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 4,5%. Quyết định này đã được Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý về chủ trương.
Như vậy đây là lần thứ hai trong năm giá điện được điều chỉnh. Lần gần nhất là vào tháng 5 khi tăng 3%. Việc điều chỉnh giá điện áp dụng chính thức từ hôm nay 9/11/2023. Với mức tăng hai lần trong năm nay, giá điện đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, hiện Bộ Công Thương đã ban hành quyết định quy định về giá bán điện. Quyết định này sẽ quy định cụ thể cơ cấu giá bán lẻ điện cho từng đối tượng khách hàng sau khi áp dụng điều chỉnh tăng giá kể từ hôm nay (9/11).
Trước đó hồi tháng 3-2023, Bộ Công Thương đã họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN.
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm: 2021 là trên 419.031 tỉ đồng; năm 2022 là trên 493.265 tỉ đồng.
Chi phí này bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Theo giải thích của EVN, kể từ mức tăng 3% hồi tháng 4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ mang lại doanh thu tăng thêm là 8.000 tỉ đồng, nên chưa đủ bù đắp chi phí giá, khiến tập đoàn này gặp nhiều khó khăn về tài chính và tiếp tục gặp lỗ.
Thông tin gần đây nhất, tính toán của EVN cho thấy giá thành sản xuất điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh. Như vậy, mức tăng giá trên có thể vẫn chưa bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh của tập đoàn này.
Trong khi đó, giá nhiên liệu (than, khí, dầu) cho sản xuất điện giảm so với 2022 nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể, giá than nhập khẩu tăng gần 3 lần so với 2020; trên 1,3 lần so với 2021. Giá dầu cũng tăng xấp xỉ 2 lần năm 2020 và trên 1,1 lần 2021.
Trong khi đó, giá than pha trộn mua từ TKV tăng 29,6-46%, còn Tổng công ty Đông Bắc là 40,6-49,8% tùy chủng loại so với 2021. Tương tự, giá mua điện từ các nhà máy điện turbin khí cũng tăng, do lượng khí Nam Côn Sơn giảm mạnh. Những yếu tố này đẩy giá thành các nguồn điện than, turbin khí lên cao, trong khi tỷ trọng các nguồn phát này chiếm tỷ trọng 55% sản lượng điện toàn hệ thống.
Năm ngoái, tập đoàn này ghi nhận lỗ hơn 26.000 tỷ đồng, sau khi tiết giảm các chi phí trên 10.000 tỷ đồng. Trong báo cáo gần đây của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, khoản lỗ của EVN tăng thêm khoảng 28.000 tỷ đồng trong 8 tháng.
QT (SHTT)