Chiều 28/7 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 34 US cent, tương đương 0,5%, lên 74,82 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 40 US cent, tương đương 0,6%, lên 72,05 USD/thùng. Phiên liền trước, giá dầu giảm nhẹ sau 6 phiên liên tiếp tăng. Như vậy, giá đã tăng 7 trong 8 phiên gần đây.
Hiện thị trường dầu mỏ đang chờ đợi thông tin từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Biến động của USD cũng có tác động lên thị trường dầu mỏ. Nếu USD tăng, sức hấp dẫn của mặt hàng dầu sẽ giảm đi.
Giá dầu đã tăng 44% trong năm nay do sự phục hồi nhu cầu và hạn chế nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, được gọi là OPEC +.
Theo Viện Dầu mỏ Mỹ (API), tồn trữ dầu thô của nước này giảm 4,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/7, trong khi tồn trữ xăng giảm 6,2 triệu thùng. Những con số này đều cao hơn mức dự kiến của các nhà phân tích (theo kết quả thăm dò của Reuters, các nhà đầu tư ước tính tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 2,9 triệu thùng và dự trữ xăng giảm 900.000 thùng).
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố số liệu chính thức về dự trữ dầu của Mỹ trong ngày 28/7.
Ông Stephen Brennock thuộc công ty môi giới PVM cho biết: "Chất xúc tác này (số liệu về tồn trữ dầu của Mỹ) có thể thúc đẩy giá dầu tiếp tục chuỗi những phiên tăng giá kéo dài".
Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn mạnh mẽ, mặc dù hầu hết các nhà kinh tế trong các cuộc thăm dò của Reuters đều lo lắng về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 6% cho năm 2021, nâng triển vọng đối với các nền kinh tế giàu nhưng lại hạ dự báo đối với các nước đang phát triển đang phải đối mặt với tình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng.
OPEC + đã đồng ý tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8, đưa nguồn cung dần trở về mức bình thường. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng mức tăng đó là quá thấp bởi nhu cầu năm nay dự kiến sẽ hồi phục mạnh.
Ông Naeem Aslam thuộc công ty môi giới trực tuyến Avatrade cho biết: "Nguồn cung dầu có khả năng vẫn khan hiếm ngay cả khi OPEC + tăng sản lượng".
Yếu tố cản trở đà tăng giá dầu lúc này là biến thể Delta. Theo Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại trung tâm Price Futures Group ở Chicago, lúc này dường như biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang "kìm hãm" thị trường dầu mặc dù tất cả dấu hiệu hiện tại đều cho thấy nguồn cung bị thắt chặt đáng kể.
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ngày càng tăng trên toàn thế giới, bất chấp các chương trình tiêm chủng. Anh báo cáo số người chết và số người phải nhập viện vì Covid-19 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Ba. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến nghị những người Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ nên đeo khẩu trang trong nhà. Mỹ cũng đã ban hành cảnh báo du lịch đối với các địa điểm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì số ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Thành phố đăng cai Olympic, Tokyo, cũng cảnh báo số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục ngay cả khi các vận động viên tiếp tục thi đấu.
Triển vọng giá dầu
Các tổ chức quốc tế gần đây có xu hướng điều chỉnh tăng mức dự báo về giá dầu mỏ. Mới đây nhất, Commerzbank hôm 23/7 cho biết thị trường dầu có thể thiếu hụt nhẹ nguồn cung cho đến tận cuối 2021, mặc dù sản lượng tăng dần, đặc biệt từ các nước OPEC+ và lo ngại số ca nhiễm Covid-19 tăng có thể làm cho nhu cầu chậm lại. Tuy nhiên, Commerzbank cho rằng yếu tố khó lường không chỉ là dịch bệnh, mà còn là mức twang sản lượng dầu thực tế của OPEC+ - có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung trong năm tới.
Trong khi đó, Bank of America Global Research cho biết họ vẫn dự đoán giá dầu sẽ chạm mức 100 USD/thùng trong năm tới, trên cơ sở nguồn cung thâm hụt 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021, và thiếu 400.000 thùng/ngày vào năm 2022.
Dự báo về giá dầu năm 2021 của các tổ chức quốc tế (ĐVT: USD/thùng)
Theo Vũ Ngọc Diệp (Nhịp Sống Kinh Tế)