"Giá dầu giảm, Việt Nam có thể tiết kiệm được 3 tỉ USD"

18/12/2015 06:58:08

Giá dầu thế giới liên tục giảm trong thời gian gần đây do nguồn cung dư thừa và nhu cầu giảm. Thêm vào đó, nhiều đồn đoán cho rằng giá dầu thế giới sẽ giảm xuống 20 USD/thùng trong năm tới. Trước bối cảnh này, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định, giá dầu thế giới giảm Việt Nam có thể tiết kiệm được 3 tỉ USD.

Giá dầu thế giới liên tục giảm trong thời gian gần đây do nguồn cung dư thừa và nhu cầu giảm. Thêm vào đó, nhiều đồn đoán cho rằng giá dầu thế giới sẽ giảm xuống 20 USD/thùng trong năm tới. Trước bối cảnh này, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định, giá dầu thế giới giảm Việt Nam có thể tiết kiệm được 3 tỉ USD.

Chuyên gia Ngô Trí Long

Giá dầu không thể giảm xuống 30 USD/thùng!

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16.12, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1 trên sàn Nymex (WTI) bốc hơi 1,83 USD (tương ứng 4,9%) khép phiên tại 35,52 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2.2009. Tương tự, hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 trên sàn London giảm 1,26 USD (tương ứng 3,3%) còn 37,19 USD/thùng trong ngày hết hạn.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây cũng cho biết, nguồn cung dầu thô của Mỹ đã tăng 4,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 11.12.

Cũng trong phiên giao dịch ngày 16.12, hợp đồng xăng giao tháng 1 giảm 1,2 cent (tương ứng 0.9%) còn 1,233 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 1 lại giảm 3,5 cent (tương ứng 3%) còn 1,112 USD/gallon.

Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới về diễn biến giá dầu thế giới lao dốc mạnh hiện nay, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giá dầu phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu.

Hiện nay, nhu cầu không tăng do kinh tế các nước thực sự chưa phát triển. Nhu cầu chủ yếu từ Trung Quốc và châu Âu. Trong khi đó, nguồn cung thì liên tục tăng, cung vượt cầu rồi mà tại sao các nước chưa giảm sản lượng?

Giải thích về điều này, ông Long cho biết lý do quan trọng là các nhà sản xuất sợ mất thị phần, mỗi nước có một đối thủ khác nhau nên không chịu giảm sản lượng. Ví dụ như Trung Đông thì nguồn tài nguyên rất lớn, chi phí sản xuất dầu là khoảng 20 USD/thùng, với chi phí này thì họ vẫn có lãi. Còn giá dầu đá phiến thì phải vào khoảng 40 USD/thùng thì mới có lãi, còn dưới con số này thì không có lãi.

Ngoài ra, ông Long cho rằng một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến giá dầu đó là vấn đề chính trị. Theo ông, những nước đối đầu với Mỹ như Nga, Venezuela, Iran có lượng xuất khẩu dầu rất là lớn, bội thu ngân sách chủ yếu là từ dầu. Theo đó, các nước này sẽ dùng dầu để chiến đấu với Mỹ.

Ông Long nói: "Nhiều người dự báo giá dầu giảm xuống 20 USD/thùng, tôi thấy điều này là rất khó. Ngay vào khủng hoảng tài chính năm 2008, giá dầu cũng chỉ giảm xuống 32,4 USD/thùng. Theo tôi giá dầu thế giới không thể giảm xuống 30 USD/thùng vì mấy ngày gần đây, giá dầu lại tăng lên 35 USD, 37 USD. Cho nên, mức giảm sâu nhất cũng không thể giảm vượt quá mức khủng hoảng kinh tế năm 2008. Cái đấy là chắc chắn vì nếu các nước này để giá dầu dưới 20 USD/thùng thì họ sẽ lỗ và phải cắt nguồn cung, giảm thị phần.

Giá dầu giảm, Việt Nam được nhiều hơn mất

Ông Long cho biết, Việt Nam vừa xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng dầu. Mỗi năm, chúng ta thường nhập 12,5-13 triệu tấn. Giá dầu càng giảm thì ta càng được lợi và có thể tiết kiệm khoảng 2 đến 3 tỉ USD.

Khi giá dầu giảm thì giá vật tư quan trọng sẽ giảm, kéo theo chi phí sản xuất giảm, khả năng cạnh tranh lớn hơn và khiến chỉ số CPI giảm. Đó là cái lợi đối với người tiêu dùng vì chi phí cho giá xăng cũng giảm nên họ sẽ thoải mái trong vấn đề chi tiêu.

Đối với Nhà nước, xuất dầu giảm thì nguồn thu sẽ giảm. Năm 2005, nguồn thu xăng dầu của Việt Nam chiếm gần 25% nguồn thu của Nhà nước. Đến thời kì năm ngoái, năm kia, con số này rơi vào khoảng 9-12%. Với tình hình hiện nay, nguồn thu của Nhà nước sẽ chỉ vào khoảng 6-7%. Đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước luôn mất cân đối thì tác động của giá dầu cũng sẽ lớn hơn.

Theo đó, ông Long kết luận giá dầu thế giới giảm thì Việt Nam được nhiều hơn mất.

Dự báo về giá xăng trong nước điều chỉnh vào ngày 18.12, ông Long cho hay giá xăng trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá xăng thế giới. Hiện nay, Việt Nam sản xuất 30%, nhập đến 70%. Tuy nhiên, mỗi nước có giá xăng dầu khác nhau vì còn phụ thuộc vào chính sách tài chính..

"Theo đó, dựa theo giá dầu thế giới hiện đang giảm thì giá xăng trong nước cũng sẽ phải tiếp tục hạ, còn hạ bao nhiêu thì nó phải tính theo giá cơ sở và phụ thuộc vào một số chính sách", ông Long nói.

Theo Tuyết Nhung (Một Thế Giới)

Nổi bật