Giá dầu ăn tăng chóng mặt vì xung đột ở Ukraine

05/03/2022 08:43:22

Ukraine và Nga không chỉ là những nhà cung cấp lớn của thị trường ngô, lúa mì, lúa mạch, mà còn chiếm hơn 75% lượng dầu hướng dương xuất khẩu trên toàn cầu.

Ông Anilkumar Bagani, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Sunvin Group (nhóm tư vấn đầu tư ở Mumbai, Ấn Độ) cho biết việc xuất khẩu dầu hướng dương từ Biển Đen đang gặp bế tắc vì tình hình chiến sự ở Ukraine khiến nhiều cảng biển bị đóng cửa, vận tải và hậu cần bị gián đoạn.

“Điều này sẽ tạo ra một khoảng trống lớn trong nguồn cung dầu thực vật toàn cầu”, ông Bagani nói. Khoảng trống này sẽ không thể dễ dàng lấp đầy, vì các nhà cung cấp hạt ép dầu và dầu ăn khác đang phải đối mặt với những vấn đề của riêng họ.

Hạn hán đã làm giảm sản lượng cải dầu ở Canada vào năm ngoái, đồng thời làm giảm sản lượng đậu nành ở Brazil, Argentina. Trong đó, Malaysia đang trải qua tình trạng thiếu hụt công nhân và Indonesia đang phải hạn chế xuất khẩu dầu cọ để đảm bảo nguồn cung nội địa.

Giá dầu ăn tăng chóng mặt vì xung đột ở Ukraine
Giá của bốn loại dầu ăn chính là dầu cọ, dầu đậu nành, dầu hạt cải và dầu hướng dương đang tăng vọt. Ảnh: Reuters

Các yếu tố trên, cộng với việc xuất khẩu dầu hướng dương gặp khó ở Ukraine đã góp phần khiến giá giá dầu cọ và dầu đậu nành (hai loại dầu được sử dụng nhiều nhất) tăng lên mức kỷ lục.

Giá dầu cọ - chiếm khoảng 1/3 nguồn cung toàn cầu, đã tăng hơn gấp đôi kể từ giữa tháng 6 năm ngoái, trong khi giá dầu đậu nành tăng khoảng 50%.

Giá dầu hướng dương từ Ukraine cũng tăng khoảng 50%, theo cập nhật từ UkrAgroConsult vào ngày 24/2 - ngày Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Dầu hạt cải cũng gặp phải tình trạng tương tự.

Trong bối cảnh tình hình Ukraine chưa có dấu hiệu lắng xuống, người mua hàng đang đua nhau tìm các nguồn cung dầu ăn khác để thay thế. Trung Quốc đã ban hành lệnh ưu tiên an ninh hàng hoá, và yêu cầu các đơn vị quốc doanh “lùng sục” thị trường để tìm nguồn nguyên liệu thô. Nước này cũng đang bán dầu ăn và dầu đậu nành dự trữ ra thị trường nội địa để bình ổn giá.

Trong khi đó, Ấn Độ (nước nhập khẩu dầu ăn hàng đầu, nơi sản lượng dầu ăn nhập khẩu chiếm 60%) và các nước Trung Đông đang gặp rủi ro khi tháng lễ Ramadan đến gần. Tại Ấn Độ, giá thực phẩm đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 14 tháng.

Ramadan - tháng lễ của người Hồi giáo được đánh dấu bằng việc nhịn ăn từ lúc bình minh đến lúc hoàng hôn sẽ bắt đầu vào tháng 4. Tiếp theo đó là lễ Eid al-Fitr vào tháng 5. Những sự kiện này, được tổ chức bởi người theo đạo Hồi trên khắp thế giới, thường thúc đẩy nhu cầu về dầu cọ và các loại dầu thực vật khác được sử dụng để làm món ăn vặt như biryani và đồ ngọt.

Việc sụt giảm nguồn cung trong thời gian tới có thể khiến nhiều quốc gia sản xuất hạn chế xuất khẩu để bảo vệ an ninh lương thực và kiểm soát lạm phát.

Nhà kinh tế từ công ty tư vấn Segi Enam Advisors - bà Khor Yu Leng nhận định: “Người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với giá cả tăng cao, và có thể cả các vấn đề khác về nguồn cung.”

Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)

Nổi bật