Mỹ cân nhắc đòn chí mạng
Trên CNBC, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền ông Joe Biden đang xem xét lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong bối cảnh Quốc hội nước này gây áp lực lớn. Nhiều nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa, thậm chí cả Đảng Dân chủ, trong đó có chủ tịch Hạ viện bà Nancy Pelosi, cũng đã lên tiếng.
Trên thực tế, nhập khẩu dầu thô từ Nga chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường dầu của Mỹ, chỉ khoảng 1-3%, do Mỹ là nhà sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới và nước này nhập phần lớn từ Canada (trên 60%). Sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga là không lớn nên việc Mỹ ngừng nhập khẩu dầu của Nga theo lý thuyết sẽ không ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, nếu Mỹ quyết định cấm nhập khẩu dầu từ Nga thì các nước châu Âu và nhiều quốc gia khác cũng có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự, theo áp lực dư luận và quốc hội các nước.
Một động thái như vậy của chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ gây hỗn loạn trên quy mô toàn cầu.
Trên tờ FT, Scott Sheffield, CEO công ty khai thác dầu đá phiến lớn nhất Mỹ Pioneer Natural Resources, cho rằng, giá dầu WTI sẽ tăng từ mức 110 USD/thùng hiện nay lên 200 USD/thùng nếu phương Tây cấm dầu và khí đốt của Nga. Một năm qua, giá dầu đã tăng gần gấp đôi.
Phó chủ tịch IHS Markit Daniel Yergin nhận định trên CNBC, xung đột giữa Nga và Ukraine có thể gây ra gián đoạn năng lượng trên quy mô lớn, tương đương cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong những năm 1970. Giá dầu có thể lên 185 USD/thùng.
Nhiều dự báo cho thấy, Mỹ không thể thay đổi tình trạng thiếu dầu trong năm nay và cần một kế hoạch 2-3 năm để có thể thay thế nguồn cung từ Nga.
Tình hình thị trường dầu khí gần đây thực sự căng thẳng, khi công ty dầu mỏ hàng đầu thế giới Shell tuyên bố ngừng "hầu hết các hoạt động liên quan đến dầu Nga”. Shell sẽ rút khỏi các liên doanh với Gazprom thuộc sở hữu nhà nước của Nga cũng như đường ống dẫn khí Nord Stream II.
Tập đoàn dầu mỏ BP của Anh hôm 27/2 cũng tuyên bố rút số cổ phần trị giá 14 tỷ USD khỏi đường ống lớn dầu khí quốc doanh Rosneft của Nga một cách đột ngột và tốn kém, kết thúc 3 thập kỷ hợp tác. Hãng dầu khí Equinor của Na Uy cho hay sẽ rút đầu tư khỏi Nga, gia tăng áp lực lên các công ty phương Tây khác có tham gia các dự án dầu và khí tại nước này như ExxonMobil và TotalEnergies.
7 năm 3 cuộc khủng hoảng dầu khí: Ván cờ Đông Tây thay đổi
Trong vòng chưa tới một thập kỷ, thế giới chứng kiến 3 cuộc khủng hoảng dầu khí, trong đó hai lần giá xuống và lần này là một cuộc chiến giá lên.
Trong cuộc chiến dầu khí 2015, nước Nga rơi vào một tình huống vô cùng khó khăn khi bị tước mất vũ khí quan trọng nhất là dầu khí. Giá mặt hàng này tụt giảm, từ trên dưới 100 USD/thùng trong giai đoạn 2011-2014 xuống mức 30-50 USD/thùng từ 2015-2016. Cùng với đó, hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga sau khi Kremlin chiếm bán đảo Crimea năm 2014.
Trước đó, trong giai đoạn 2003-2008, giá dầu thế giới đã tăng từ 18 USD lên 130 USD/thùng, qua đó giúp nước Nga đã thu về một khoản tiền khổng lồ, tái đầu tư vào dầu lửa, phát triển kinh tế và gia tăng tiềm lực quốc phòng.
Trong năm 2020, giá dầu một lần nữa tụt giảm do đại dịch Covid-19. Với việc ngành hàng không và du lịch quốc tế tê liệt, nhu cầu dầu tụt giảm hàng chục triệu thùng/ngày khiến giá giảm mạnh xuống ngưỡng 20-60 USD/thùng. Có thời điểm tháng 7/2020, giá dầu xuống mức âm do các nhà khai thác không còn chỗ chứa dầu.
Giá dầu giảm, nhiều nước dựa chính vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga và Saudi Arabia vẫn phải giữ sản lượng để có nguồn thu. Bên cạnh đó chiến lược cạnh tranh giữ thị phần cũng khiến cuộc chiến giữa các nước sản xuất dầu căng thẳng, đặc biệt giữa Nga và Saudi Arabia. Còn tại Mỹ, việc sản xuất hay không không phụ thuộc vào chính quyền mà do DN quyết định.
Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia kéo dài, khiến giá dầu Brent sụt giảm từ mức 70 USD/thùng hồi đầu tháng 1/2020 xuống tới 20 USD/thùng chỉ trong vài tháng. Cuộc chiến này chỉ bớt căng thẳng khi các quốc gia sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới sau đó đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác gần 10%.
Tới nay, giá dầu tăng trở lại, nước Nga duy trì được thị phần và được hưởng lợi từ việc giá lên cao. Với mức giá cao như hiện tại, một ngày nước Nga thu một lượng tiền lớn, cả tỷ USD, từ dầu, khí và than đá từ châu Âu cũng như thế giới.
Theo CNBC, mặc dù phương Tây đang dồn dập trừng phạt Nga nhưng Bộ Tài chính Mỹ cho rằng các tay buôn và ngân hàng phố Wall Street vẫn có thể mua và bán dầu và khí của Nga bình thường. Mỹ ra lệnh trừng phạt lên các ngân hàng lớn nhất của Nga, trong đó có Ngân hàng VTB Bank, nhưng không áp dụng đối với các giao dịch trong lĩnh vực năng lượng cho đến 24/6.
Việc cấm nhập khẩu dầu Nga cũng vô cùng khó khăn khi đi ngược với sáng kiến khí hậu của Chính quyền Biden. Trước đây, ông Biden đã giảm nguồn cung từ dầu của Mỹ để theo đuổi các loại năng lượng sạch hơn. Và đây là cam kết khi tranh cử của ông.
Nhiều chuyên gia và một số thành viên Đảng Dân chủ Mỹ lo ngại, việc cấm nhập khẩu dầu Nga có thể làm tăng giá năng lượng, vốn đã tăng vọt, nhưng lại chẳng thể gây ảnh hưởng tới kinh tế Nga, đặc biệt là khi Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia tỷ dân, vẫn mở cửa với dầu của Nga.
Tập đoàn Shell có kế hoạch giảm hơn nữa việc sử dụng dầu Nga, nhưng thừa nhận rằng việc tìm những nguồn cung khác là vô cùng thách thức hiện nay.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki Mỹ không muốn làm gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu hay làm tăng giá xăng dầu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 4/2 cũng bác bỏ những đề nghị kêu gọi trừng phạt ngành dầu khí Nga. Theo ông Blinken, các biện pháp trừng phạt liên quan năng lượng chống lại Nga sẽ khiến giá xăng dầu ở Mỹ tăng mạnh, thậm chí Nga còn có lợi từ việc này.
Trong báo cáo mới nhất, Moody cho rằng, việc Nga đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể gây ra cú sốc giá năng lượng, đặc biệt là ở châu Âu, khi Nga chiếm khoảng 12% tổng lượng dầu thô xuất khẩu của cả thế giới. Giá khí đốt ở châu Âu đã lên mức cao nhất lịch sử, 2.400 USD/1.000 mét khối.
Theo M. Hà (VietNamNet)