Xả hàng, giảm giá vẫn ế
Khảo sát tại các các trung tâm môi giới nhà đất trên địa bàn Hòa Lạc - Thạch Thất (Hà Nội), các môi giới ở đây cho biết, thị trường đất Hòa Lạc gần như đóng băng kể từ cuối năm ngoái đến nay. Nhà đầu tư giảm đáng kể. Các quán cafe bất động sản trước là nơi nhiều nhà đầu tư ghé qua thì đến nay rất vắng khách.
Một môi giới tên Hải ở Hòa Lạc cho hay, kể từ khi thị trường trầm lắng, nhiều nhà đầu tư đọng vốn đã ráo riết rao bán ở nhiều trung tâm môi giới. Tuy nhiên, do thị trường khó khăn, các mảnh đất ký gửi tại các trung tâm nhà đất tồn đọng khá nhiều.
Ở thời điểm sốt đất, bất động sản Hòa Lạc nóng nhất, giao dịch mạnh nhất thuộc về phân khúc đất phân lô bán nền. Theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, đa phần các chủ đầu tư phân lô xong đã bán hết ngay trước khi thị trường đóng băng. Hiện tại, phân khúc đất nền này được các nhà đầu tư mua lại rao bán với giá rất thấp nhưng cũng không thể giao dịch.
Một nhà đầu tư tên Nguyên cho hay, anh rao bán 100m2 đất phân lô từ 3 tháng nay vẫn ế. Hồ sơ bán đất của anh đã gửi đến nhiều trung tâm môi giới nhà đất tại Hòa Lạc.
“Tôi đang rao bán giá 10 triệu đồng/m2, giảm 50% so với lúc sốt và giảm 20% so với giá mua vào cùng nhiều lần hạ giá thấp hơn nhưng vẫn chưa bán được”, anh Nguyên chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Hướng, một môi giới khác nhận định, thị trường bất động sản tại Hòa Lạc thật ra vẫn có giao dịch, nhưng đất thuộc diện phân lô bán nền gần như không được nhà đầu tư quan tâm nhiều.
Anh Hướng giải thích: “Đất phân lô bán nền thực chất do chủ đầu tư chia thành nhiều lô trên một diện tích rất rộng hàng héc-ta, hạ tầng điện - đường rất sơ sài, thậm chí nhiều nơi không có. Nhà đầu tư nếu mua để ở sẽ phải làm lại từ đầu, dẫn đến nhiều chi phí phát sinh, tốn kém.”.
Hàng “ngon” vẫn giao dịch nhiều, giá tăng mạnh
Anh Hướng cho biết thêm, đất tái định cư hiện được quan tâm nhiều hơn tại Hòa Lạc, giao dịch cũng túc tắc. Hiện mức giá chuyển nhượng đất này không hề giảm, thậm chí có nơi tăng thêm 2-3 triệu đồng/m2 so với tại thời điểm cuối năm ngoái.
Theo khảo sát, giá đất tái định cư Phú Cát, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất đang được giao dịch với giá từ 35-40 triệu/m2, thuộc mức giá cao nhất tại Hòa Lạc. Mức giá này vẫn duy trì ngay cả khi thị trường bất động sản vào giai đoạn trầm lắng nhất.
Môi giới tên Tâm chia sẻ, hồi cuối tháng 10, anh đã giới thiệu khách cho hai nhà đầu tư bán hai mảnh đất tái định cư tại Bình Yên với giá 35 và 38 triệu đồng/m2. Trước đó hơn 1 năm, chính anh đã giúp họ mua với giá chỉ trên dưới 30 triệu đồng/m2.
Lý giải về giá đất tái định cư vẫn tăng trong bối cảnh thị trường bất động sản đi xuống suốt 1 năm qua, anh Tâm cho rằng, thời điểm đất sốt, nhà đầu tư có tâm lý ‘lướt’ nhanh để sinh lời, còn khi thị trường trầm lắng, lại xuất hiện người mua có nhu cầu để ở.
“Từ khi thị trường trầm lắng, tại các khu tái định cư, mật độ xây dựng nhà ở tăng đáng kể. Cho thấy, nhu cầu mua đất để ở tăng”, anh Tâm cho biết.
Tương tự, giá đất khu tái định cư Bình Yên, tại xã Bình Yên - huyện Thạch Thất cũng đang được giao dịch từ 25-30 triệu đồng/m2. Tuy không giao dịch mạnh như thời điểm thị trường sôi động, nhưng đất tái định cư Bình Yên vẫn hút khách hơn so với khu vực khác tại Hòa Lạc.
Anh Trần Ngọc, một nhà đầu tư đất lâu năm ở Thanh Xuân - Hà Nội, cho hay, anh đang tìm hiều để đầu tư đất tái định cư Hòa Lạc. Theo anh, trái với những loai đất khác, đất tái định cư ở đây có giá ổn định, giao dịch đều, không bị tác động bởi thị trường ảm đạm trong suốt thời gian qua.
Anh Ngọc nhận định, trong bối cảnh thị trường đóng băng, nếu đầu tư đất Hòa Lạc thì đất tái định cư sẽ trở thành lựa chọn được ưu tiên.
“Đổ tiền vào đất tái định cư vẫn có thể sinh lời đáng kể khi thị trường nóng trở lại”, nhà đầu tư này nhận xét.
Ông Nguyễn Trung Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Bất động sản Dreamland tại Hòa Lạc, cho rằng, trái với đất phân lô bán nền, đất tái định cư Phú Cát và Bình Yên được các nhà đầu tư tìm đến với mục đích đầu tư lâu dài, mang tính bền vững. Do đó, trong suốt hơn 1 năm thị trường đóng băng, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chi 5-7 tỷ đồng để sở hữu vài trăm m2 đất tại đây.
Theo Ngọc Cương (VietNamNet)