Giá chung cư tăng 'chóng mặt', sẽ có một thế hệ khó mua được nhà Hà Nội

11/10/2024 14:01:09

Với nhiều người trẻ, giấc mơ mua nhà gần như đã vượt xa ngoài tầm với khi giá bất động sản (BĐS) ở Hà Nội trong vài năm trở lại đây liên tục tăng không có điểm dừng.

Anh Cao Trung (tạm trú ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh đã từ bỏ giấc mơ mua nhà khi càng chờ giá nhà giảm giá lại càng tăng.

Mỗi ngày đi làm về trong căn phòng trọ 25m2, anh Trung đều cảm giác chông chênh. Những căn nhà trọ này chưa bao giờ được coi là một ngôi nhà thực sự.

"Tôi có 10 năm sinh sống ở Hà Nội và làm công việc văn phòng. Tôi nhận ra rằng, sẽ có một thế hệ trẻ như tôi không thể mua được nhà ở Hà Nội nếu giá cứ tăng thế này. Tôi đang băn khoăn việc có tiếp tục bám trụ lại ở Hà Nội nữa hay về quê sinh sống", anh Trung nói.

Báo cáo thị trường bất động sản quý III của đơn vị tư vấn dịch vụ bất động sản Savills cho thấy, giá chung cư tại Hà Nội tiếp tục leo thang ở cả dự án mới và cũ. Theo đó, mặt bằng giá dự án mới đã tăng 6% theo quý và 28% theo năm, đạt 69 triệu đồng/m2. Dự án sơ cấp tăng cao cũng kéo giá bán chung cư cũ lên 51 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 41% theo năm.

Giá chung cư tăng 'chóng mặt', sẽ có một thế hệ khó mua được nhà Hà Nội
Giá nhà chung cư Hà Nội liên tục tăng trong thời gian qua.

Theo thống kê của Savills, tính chung 9 tháng, 70% số căn được giao dịch có giá trên 4 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức 2% năm 2020. Còn phân khúc từ 2 đến 4 tỷ đồng chiếm 29%. Chỉ 1% số căn hộ đã giao dịch có giá dưới 2 tỷ đồng.

Điều này cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu sản phẩm của phân khúc chung cư. Sau thời gian tăng giá liên tục, căn hộ giá trên 4 tỷ đồng trở thành mức giá mua bán phổ biến tại Hà Nội. Với 2-3 tỷ đồng, người dân cũng chật vật để tìm được chốn an cư.

Nhìn nhận nguồn cung căn hộ 9 tháng đầu năm, đơn vị tư vấn cho hay, có cải thiện lớn, song chỉ tăng về số lượng. Phần lớn các chủ đầu tư tập trung vào phân khúc cao cấp, kéo mặt bằng giá tăng nhanh.

Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, giá chung cư Hà Nội trong quý III đã tăng 8,7% so với quý 2 và tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023.

Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE cho rằng, phần lớn dự án mở bán mới nằm trong đại đô thị hiện hữu với mặt bằng giá đã neo cao.

Khi tung ra sản phẩm mới, chủ đầu tư sẽ tính toán kỹ tương quan giá bán với khu vực nên những tòa mới khó có giá thấp hơn giai đoạn trước hoặc dự án xung quanh. Điều này để đảm bảo lợi nhuận kỳ vọng của chủ đầu tư trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu gia tăng.

Một lý do khác cho hiện trạng giá bán ở ngưỡng cao một phần vì lực cầu đầu tư lớn, dòng tiền vẫn đổ về sản phẩm phục vụ nhu cầu thực tại trung tâm. Do đó thanh khoản thị trường vẫn duy trì tích cực.

Ông Trần Quang Trung - Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing cho biết, chờ chung cư giảm giá là điều không khả thi. Bởi chi phí thuế đất theo biểu giá mới khiến khiến doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền khổng lồ. Khi giá đất đã cao, chủ đầu tư lại làm một sản phẩm bình dân thì chắc chắn sẽ lỗ. Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đánh giá, giá bất động sản nhà ở có thể tăng 15-20% khi áp dụng biểu khung giá theo luật mới.

“Tôi cho rằng thực tế có những dự án còn tăng hơn nhiều. Không phải ngẫu nhiên thị trường bất động sản Hà Nội tăng giá chóng mặt trong thời gian qua”, ông Trung nói.

Ông Trung còn khẳng định, nếu như trước đây giá các căn hộ tại vị trí trung tâm trên dưới 100 triệu đồng/m2, khách hàng đã cảm thấy quá đắt đỏ thì tới đây với những dự án căn hộ vị trí đẹp, giá có thể lên tới 200 triệu đồng/m2. Những căn hộ kiểu này nếu đạt được các tiêu chí khách hàng đưa ra, vẫn được chấp nhận.

Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)