Trong số 600 biệt thự, đến nay, thành phố đã bán được 4.973 hộ; hiện còn 713 hộ, tương đương với 713 hợp đồng.
Trong một biệt thự có nhiều hộ thuê, sở hữu khác nhau
11 ngày sau khi ban hành chính sách quản lý, sử dụng các căn biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trong đó đề cập việc tiếp tục bán 600 biệt thự cũ, UBND TP.Hà Nội lại quyết định tạm dừng bán để rà soát.
Những biệt thự cũ ở Hà Nội không có nhiều nên câu chuyện “bán - mua” này nhận được sự quan tâm của dư luận. Các biệt thự cũ chủ yếu được xây dựng trước năm 1954, theo kiến trúc kiểu Pháp hoặc kết hợp kiến trúc phương Tây và Á Đông.
Vậy, việc bán - mua, quản lý 600 biệt thự cũ này trước đây như thế nào? Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố đang quản lý 1.216 biệt thự, chia thành 3 nhóm 1, 2, 3. Trong đó, có 600 biệt thự thuộc danh mục được bán theo Quyết định 4734 của UBND TP.Hà Nội ngày 14.9.2009 (599 căn) và bổ sung thêm 1 biệt thự tại khu tập thể Vĩnh Hồ trước đây. Những biệt thự này do Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý về việc cho thuê nhà ở.
Việc bán 600 biệt thự đã được thực hiện theo Nghị quyết 18/2008 của HĐND TP.Hà Nội, Quyết định 4734/QĐ-UBND ngày 14.9.2009 của UBND TP.Hà Nội.
Phó Giám đốc Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, 600 biệt thự thuộc danh mục được bán hiện có sự sở hữu đan xen giữa nhà nước (với những phần diện tích chưa bán) và tư nhân (với phần diện tích đã bán).
Trong đó, có 5.686 hộ, bao gồm cả hợp đồng thuê do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội ký trực tiếp với các hộ. Đến thời điểm này, thành phố đã bán được 4.973 hộ. Hiện nay, còn 713 hộ, tương đương với 713 hợp đồng.
Ông Minh nhấn mạnh, việc bán không phải áp dụng cho tất cả đối tượng, chỉ bán cho các đối tượng đang có hợp đồng thuê nhà ở tại đây.
Giá những biệt thự cũ được tính thế nào?
Trao đổi với Lao Động, đại diện Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho hay, 600 biệt thự cũ này là những biệt thự có nhiều hộ gia đình ở, được cho thuê từ nhiều năm trước. Việc bán các căn biệt thự đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Nhiều hộ đã mua nhà và được cấp sổ đỏ.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch Cty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội - cho biết, việc bán 600 biệt thự không phải bán nguyên cả biệt thự mà bán từng phần diện tích các hộ đang có hợp đồng thuê ở. Diện tích sử dụng của các hộ thường nhỏ, khu sử dụng chung đã xuống cấp.
Theo ông Dũng, việc quản lý, cho thuê, bán nhà theo trình tự thủ tục, hồ sơ và giá bán theo Nghị định số 61/CP ngày 5.7.1994 của Chính phủ, nay là Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015. Trình tự, thủ tục, hồ sơ theo các quyết định của UBND TP.Hà Nội (hiện nay đang thực hiện theo Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND ngày 6.8.2018 của UBND TP).
Lý giải về giá bán biệt thự, đại diện Cty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nói rằng, giá bán biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước được thực hiện theo các quy định của nhà nước. Theo đó, giá bán nhà ở cũ được tính bao gồm tiền nhà và tiền sử dụng đất.
Tiền nhà được xác định căn cứ giá trị còn lại của nhà ở được xác định theo tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà ở nhân (x) với giá chuẩn nhà ở xây dựng mới do UBND TP.Hà Nội ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký hợp đồng mua bán và nhân (x) với diện tích sử dụng nhà ở.
Tiền sử dụng đất khi chuyển quyền sử dụng đất cùng với việc bán nhà ở cũ được tính theo bảng giá đất ở do UBND TP.Hà Nội và căn cứ vào vị trí của đất ở, tầng nhà.
Liên quan tới việc sửa chữa, quản lý những biệt thự sau khi đã được bán, đại diện Cty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, các biệt thự khi được bán đều đã được phân nhóm quản lý.
"Biệt thự nào cần bảo tồn, biệt thự nào được cải tạo sữa chữa, biệt thự nào được phép cải tạo, sữa chữa lớn đều có trong danh mục theo phân nhóm. Đối với nhà đã bán, việc làm thủ tục cấp phép xây dựng thuộc quản lý của chính quyền địa phương" - vị này nói.
Đại diện Sở Xây dựng cho hay, đa phần các biệt thự được bán thuộc nhóm 3. Đối với các căn đã xuống cấp, cần được cải tạo thì có thể xin giấy phép tại chính quyền sở tại. Việc cải tạo, sửa chữa, xây dựng tuân theo các quy hoạch đô thị.
Theo Vương Trần (Lao Động)