Ghìm đà tăng giá hàng tiêu dùng, cách nào?

20/06/2022 09:35:29

Tại 2 thị trường lớn Hà Nội và TP HCM, xăng dầu tăng giá kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác cũng bắt đầu điều chỉnh tăng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng.

Giới chuyên gia cho rằng, muốn kiềm chế lạm phát tại thời điểm này, không còn cách nào khác ngoài việc lập tức thông qua chính sách giảm thuế để ghìm đà tăng của giá xăng dầu.

Nhiều ngày qua, giá xăng dầu liên tục “phi mã” đã kéo theo giá của các mặt hàng như: thực phẩm, đồ thiết yếu, giá taxi, xe khách… cũng tăng theo, tác động mạnh mẽ đến người dân cũng như tiểu thương kinh doanh.

Cụ thể tại Hà Nội từ đầu tháng 5 đến nay, các hãng taxi, xe hợp đồng đều tăng cước thêm 10 - 15%, tương đương tăng 1.000 - 2.000 đồng mỗi km và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đáng chú ý, nhiều hãng xe khách tăng giá mạnh lên đến 30-40%.

Không chỉ cước vận tải tăng, nhiều loại hàng hóa cũng đang “leo thang” theo giá xăng. Giá các loại rau củ trong khoảng 1 tháng trở lại đây đều tiếp tục tăng mạnh. Giá các loại mồng tơi, ngót, đay, cải… đều chung mức giá từ 15-20.000 đồng/bó tùy kích thước, tăng giá gấp đôi.

Các loại rau dạng củ, quả cũng tăng giá chóng mặt: Dưa chuột, bầu sao, bí xanh, đậu quả: 30.000-35.000 đồng/kg, tăng 15.000-18.000 đồng/kg; cà rốt Trung Quốc, khoai tây Trung Quốc (mùa này Việt Nam không có 2 loại này): 25.000 đồng/kg, tăng 13.000 đồng/kg; bắp cải, cải thảo Đà Lạt hoặc Mộc Châu: 32.000 đồng/kg, tăng 17.000 đồng/kg.

Ghìm đà tăng giá hàng tiêu dùng, cách nào?
Biến động giá các mặt hàng tiêu dùng chủ yếu là do giá xăng dầu và gas tăng.  

Các loại rau mùa hè dù đang chính vụ cũng tăng giá không kém: Rau muống từ 8.000 đồng lên 15.000 đồng/mớ; Cải xoong từ 10.000 đồng/mớ lên 25.000 đồng/mớ; rau cần 8.000 đồng/mớ tăng lên 15.000 đồng/mớ, xà lách 18.000 đồng/kg tăng lên 45.000 đồng/kg, mướp từ 10.000 đồng/kg tăng lên thành 20.000 đồng/kg…

Đối với mặt hàng gia súc, gà công nghiệp từ 65.000 đồng tăng lên 90.000 đồng/kg; trứng gà từ 35.000 đồng lên 40.000 đồng/chục… Giá thực phẩm chế biến cũng theo đó mà tăng lên, như giò lụa tăng từ 240.000 đồng lên 260.000 đồng/kg, thịt quay 350.000 đồng/kg.

Chị Trần Ngọc Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng, chỉ tính riêng các chi phí cho ăn uống, gia đình chị giờ phải chi thêm khoảng 1,5 triệu đồng/tuần, mức chi tiêu gần gấp đôi so với trước, trong khi thu nhập của chị và chồng vẫn không thay đổi.

Trong khi đó, tại TP HCM, nhiều hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tiếp tục tăng giá gây biến động thị trường và tạo ra thách thức lớn cho rất nhiều gia đình hiện nay.

Ngay khi vừa nghe thông tin xăng tăng vượt mức 32.000 đồng/lít, chị Nguyễn Thị Hạnh, công nhân một công ty dệt may đang sống tại TP Thủ Đức (TP HCM) đã nghĩ tới việc chuẩn bị bữa sáng tại nhà.

Chị cho hay, gia đình chị có 4 người. Thu nhập mỗi tháng có hạn nhưng nhiều mặt hàng tiêu dùng gần đây tăng chóng mặt, rau củ, thực phẩm đều tăng mạnh. Ngay cả các cửa hàng bán đồ ăn sáng cũng đã tăng từ 5.000-10.000 đồng/ suất từ 2 tuần nay. Do đó, chị Hạnh phải xoay xở sao cho đủ sống với mức thu nhập của gia đình.

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, lương thực, hàng hóa thiết yếu tăng giá là nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng mạnh lên 2,86%. Chỉ riêng trong tháng 5, các đợt điều chỉnh giá xăng dầu khiến xăng tăng 6%, dầu tăng 4%, đẩy CPI nhóm giao thông bật cao nhất với 2,34%. Như vậy dư địa tăng CPI mà nhà nước đặt ra cho năm nay chỉ còn 1,75% cho 7 tháng còn lại. Có thể thấy, lạm phát đã lộ diện, không còn là nguy cơ nữa.

Giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận, từ đầu năm đến nay trong nước đã trải qua hơn chục lần điều chỉnh tăng giá xăng, đẩy theo giá hàng hóa tăng cao. Do đó, muốn kiềm chế lạm phát tại thời điểm này, không còn cách nào khác ngoài việc lập tức thông qua chính sách giảm thuế để ghìm đà tăng của giá xăng dầu.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ngoài đề xuất lâu nay của chúng ta là ngưng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… đối với xăng dầu, thì nhất thiết phải có giải pháp bình ổn các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu.

Cụ thể, giám sát và ngăn chặn xu hướng tăng giá các dịch vụ cơ bản, thiết yếu, nhất là dịch vụ công. Giám sát và có động thái cảnh báo ngân hàng không nên đua lãi suất huy động và lãi suất cho vay, gây áp lực chi phí đầu vào trong sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ giao thông công cộng như trợ giá vé xe buýt 10.000 đồng/tuần cho 1 tuyến hay liên tuyến 20.000 đồng/tuần cho người dân mà nhiều nước phương Tây áp dụng khá thành công.

Đáng lưu ý, ông Việt nêu trong các chi phí đang khiến lạm phát tăng cao, trong rổ CPI, chi cho giáo dục trong mỗi gia đình đang tăng rất cao, đẩy lạm phát “âm thầm” tăng mạnh mà chúng ta đã “bỏ qua”. Tính toán cho thấy, chi học phí sinh viên đại học công trong năm 2020 là 21 - 22 triệu đồng/năm/người, năm 2022 dự kiến tăng gấp đôi, lên 42 - 44 triệu đồng/năm/sinh viên. Đặc biệt, nay một số trường đại học được chuyển sang thu học phí tự chủ cao gấp 2,5 lần quy định nữa. Con số quá lớn.

Nếu chúng ta tiếp tục tăng học phí, gánh nặng chi tiêu cho mỗi gia đình tiếp tục thách thức lớn. Đó cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn của áp lực lạm phát, bất bình đẳng tiếp cận giáo dục, bức xúc của xã hội với ngành giáo dục.

Theo M.Duy (Đại Đoàn Kết)