Khó giảm lãi suất
Ngày 10/7 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao hai nhiệm vụ quan trọng cho các tổ chức tín (TCTD) dụng nhân việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% cho cả năm 2023.
Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; nâng cao chất lượng tín dụng; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, qua đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD.
Chỉ đạo này của NHNN được đưa ra sau khi Chính phủ đã giao nhiều nhiệm vụ cho ngành ngân hàng. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 tiếp tục yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%); nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Nhiệm vụ giảm lãi suất khá nặng nề sau khi NHNN đã 4 lần điều chỉnh hạ lãi suất điều hành, các mức lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2%/năm từ đầu năm đến nay. Việt Nam là một trong số rất ít các nước trên thế giới giảm lãi suất.
Về phần mình, các TCTD cũng đang tích cực giảm lãi suất. Mặt bằng lãi suất bình quân được ghi nhận giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).
Tuy nhiên, có thực tế cần lưu ý là làn sóng giảm lãi suất huy động đã diễn ra tại hàng loạt ngân hàng trong mấy tuần nay nhưng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đang đứng ở mức cao.
Lý do quan trọng nhất là các TCTD không quá dư thừa vốn. Tính đến thời điểm 20/6/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng kỳ năm trước tăng 3,97%); tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 3,3%).
Còn tính đến 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73%, chỉ bằng một nửa so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái là 9,35%.
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế như vậy là rất thấp so với thông thường. Một mặt, các TCTD chỉ cho vay được 80% vốn huy động để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn. Mặt khác, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn rất yếu.
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp
Như vậy, việc giảm lãi suất cho vay sẽ còn nhiều thách thức trước thực trạng tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng xấu đi. Cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng trong khi các thị trường bất động sản, chứng khoán suy giảm.
Hơn nữa, nhiều thủ tục giải ngân của các ngân hàng và cả hướng dẫn của cơ quan nhà nước còn phức tạp, rối rắm gây khó khăn cho cả ngân hàng và khách hàng. Một yếu tố nữa là tỷ giá vẫn chứa nhiều yếu tố bất định dù tỷ giá VND/USD đã khá ổn định.
Trong khi tiền gửi tăng chậm, các TCTD lại có nhu cầu vay rất lớn để cho vay, xử lý nợ xấu, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn để. Một số TCTD có quy mô nhỏ duy trì lãi suất huy động cao để giữ chân khách hàng.
Những yếu tố này gây cản trở không nhỏ đối với việc giảm lãi suất cho vay.
Trước áp lực đó, việc hạ lãi suất điều hành chỉ là phát đi tín hiệu hình thức và không có tác dụng nhiều trên thực tế.
Muốn giảm lãi suất cho vay NHNN phải tăng cung tiền, bơm mạnh tiền ra nền kinh tế. Từ đầu năm đến nay NHNN đã bơm ra hơn 140.000-150.000 tỷ đồng để mua USD, song con số này còn quá ít và chưa đủ so với quy mô thị trường.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, xu thế lãi suất cho vay thời gian tới sẽ giảm không nhiều dù Chính phủ đã bật đèn xanh cho các sách kinh tế thiên về thúc đẩy tăng trưởng hơn là kiểm soát lạm phát.
Lý do là lạm phát cơ bản vẫn khá cao (dự kiến tăng dưới 4,5% trong năm nay) so với lạm phát tổng thể (CPI) mà lạm phát cơ bản mới là cơ sở căn bản và lâu dài cho việc điều hành chính sách tiền tệ.
Điều này thể hiện qua nửa đầu năm nay, NHNN đã liên tiếp giảm lãi suất điều hành, nhưng khả năng đưa mặt bằng lãi suất thị trường về mức thấp như kỳ vọng là khó thực hiện.
Mặt khác thì các tổ chức tín dụng đã huy động và cho vay với lãi suất cao từ quý IV/2022 nên họ không thể sớm đưa mặt bằng lãi suất về mức cách đây 1 năm.
Theo thông lệ, tín dụng trong nửa cuối năm sẽ tăng nhanh hơn với tốc độ gấp 2 lần so với 6 tháng đầu năm, nên tổng tín dụng cả năm có thể xoay quanh mức 10% so cuối 2022. Như vậy, dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều hơn, mạnh hơn còn rất mỏng.
Cảnh giác rủi ro
Mặc dù không thay đổi quy định cho vay nhưng thời gian qua, NHNN đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn qua việc ban hành Thông tư 02 cho phép các TCTD cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng.
Ở góc độ nào đó, động thái trên cũng phát đi tín hiệu nợ xấu đang tăng lên nhanh và sẽ còn tăng tiếp với các chính sách miễn, giảm, giãn nợ cho các khách hàng cũ và mới, cho các đối tượng và lĩnh vực ưu tiên, khiến chi phí trích lập dự phòng rủi ro đã và sẽ còn tăng.
Ở đâu cũng vậy, khó khăn và rủi ro của kinh tế thường bắt nguồn từ thị trường tài chính vì thị trường tài chính luôn là thực thể phản ánh nền kinh tế thực. Những ngân hàng yếu kém đã lộ diện và tạo rủi ro cho hệ thống nếu thiếu các giải pháp để xử lý triệt để. Cần giám sát chặt chẽ để chẩn đoán trường hợp có thêm những ngân hàng yếu kém bộc lộ tới đây.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ không sớm được lành mạnh hóa và phục hồi như mong muốn trong thời gian tới, có thể kéo dài vài năm tới. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp đã phát hành đang và sẽ tìm cách thanh toán nợ mà không có dòng vốn từ phát hành mới hoặc vay ngân hàng và mặt khác gây ảnh hưởng xấu đến tài chính và lòng tin của người dân.
Diễn biến trên thị trường này là một nguyên nhân lớn khiến cho khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bị hạn chế và lãi suất thị trường khó giảm.
Sau khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ và rồi xẹp đi do những chính sách liên quan quay đầu, doanh nghiệp hiện nay lại dựa vào vốn ngân hàng là chính.
Để giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng và tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay là cần đa dạng hóa các kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Tư Giang (VietNamNet)