Càng chờ càng lỗ
“Hai tuần nay giá lợn hơi nằm ở ngưỡng 48.000-49.000 đồng/kg nên cứ xuất bán một con lợn tôi lỗ khoảng 600-700 nghìn đồng. Nuôi càng nhiều lỗ càng nặng”, ông Hoàng Văn Chung – chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Sơn Dương (Tuyên Quang) than thở với PV.VietNamNet vào chiều 4/12.
Ông Chung vừa bán lứa lợn 50 con, lỗ khoảng 33 triệu đồng. Lứa lợn này đến ngày xuất chuồng từ cuối tháng 11 nhưng thấy giá quá thấp ông giữ lại với hy vọng bán được mức cao hơn. Chờ hơn một tuần, giá lợn hơi vẫn “nằm đáy”, không chịu nhúc nhích. Lợn giữ lại vẫn phải cho ăn, quá trọng lượng càng khó bán hơn.
Theo ông, tình trạng bán lợn dưới giá thành sản xuất đã kéo dài từ tháng 9 đến nay. Còn tính từ đầu năm đến nay, chỉ có 4 tháng giữa năm người chăn nuôi xuất bán lợn trên giá thành sản xuất (tức hoà gốc và lãi), tuy nhiên không phải ai cũng có lợn xuất bán ở thời điểm đó.
“Giá thấp nhưng tiêu thụ vẫn khó. Lợn đến lứa xuất chuồng gọi điện mãi mà thương lái chỉ vào trên dưới chục con mỗi lần”, ông nói. Thông thường cuối năm bước vào cao điểm tiêu thụ thịt lợn, giá tăng mạnh, thương lái tranh nhau mua hàng. Năm nay, giá giảm mạnh vẫn khó bán.
Trang trại của ông Chung đang nuôi khoảng 600 con lợn. Ông còn một lứa lợn đạt trọng lượng 80-90kg/con, dự kiến bán vào dịp Tết nên hy vọng thời điểm đó giá sẽ nhích lên, không phải bán lỗ như hiện nay.
Ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty chăn nuôi Lộc Phát BLLT (Sơn La) cho biết, doanh nghiệp tự chủ được con giống, song với giá lợn hơi như hiện nay ông chịu thua lỗ khá nặng.
Trang trại chăn nuôi của ông Bắc duy trì đàn lợn trên 10.000 con. Mỗi tháng đều đặn xuất bán ra thị trường 2.000 con lợn thương phẩm. Suốt một tháng qua, ông bán lợn giá 47.000 đồng/kg, lỗ 400.000 đồng/con, ước lỗ khoảng 800 triệu đồng.
Theo ông, dịp này giá thức ăn chăn nuôi giảm kéo giá thành sản xuất xuống mức thấp. Nhưng với giá lợn hơi như hiện nay, các hộ chăn nuôi phải đi mua con giống phải gồng lỗ nặng.
Ông Đỗ Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam, thừa nhận giá bán lợn hơi hiện nay đang xuống thấp, bình quân 49.000 đồng/kg. Do đó, không chỉ hộ chăn nuôi mà các doanh nghiệp cũng chịu thua lỗ.
Lợn nhuận của các "ông lớn" sụt giảm mạnh
Giá bán lợn thấp khiến doanh thu và lợi nhuận trong quý III/2023 của các “ông lớn” ngành chăn nuôi sụt giảm mạnh. Đơn cử, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam đạt doanh thu 2.709 tỷ đồng trong quý III, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 12 tỷ đồng, giảm mạnh đến 96% so với quý cùng kỳ năm 2022.
Quý III năm nay, Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt gần 1.219 tỷ đồng, giảm 36,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 40 tỷ đồng, giảm 74,6% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu của Công ty CP Kỹ nghệ Súc sản – Vissan ở quý III chỉ đạt 823 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 25 tỷ đồng, giảm hơn 19,3%.
Kết quả kinh doanh kém khả quan của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi trong quý III/2023 diễn ra trong bối cảnh giá thịt lợn liên tục sụt giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp bị bào mòn đáng kể.
Hiện, giá lợn hơi xuất chuồng ở miền Bắc dao động trong khoảng 48.000-50.000 đồng/kg; khu vực miền Trung - Tây nguyên có giá 47.000-50.000 đồng/kg; tại các tỉnh miền Nam giá lợn hơi neo ở mức 47.000-52.000 đồng/kg.
Ở mức giá này, đa phần người chăn nuôi chịu thua lỗ. Cùng với đó, dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng và rủi ro giá cả nên sau khi bán lợn, nhiều người chăn nuôi đã treo chuồng, không dám tái đàn, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho hay.
Theo vị lãnh đạo này, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, người dân bán chạy đàn khiến nguồn cung ra thị trường tăng, trong khi sức tiêu thụ yếu nên giá lợn hơi chịu áp lực giảm mạnh.
Trong tháng 11/2023, giá lợn hơi đã giảm 2,79% so với tháng trước đó và giảm 5,34% so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin từ chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM), trong những ngày gần đây, lượng lợn đổ về chợ đạt gần 6.000 con/ngày, tăng mạnh so với mức trung bình 4.500 con/ngày của các tháng trước đó.
Hiện tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 28,6-28,7 triệu con. Với tỷ lệ đàn lợn hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thị lợn của thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, kể cả dịp Tết nguyên đán 2024.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết thời điểm cuối năm, giá thịt lợn có thể tăng nhưng không đáng kể. Bởi, nhu cầu của người tiêu dùng năm nay sẽ ít đi vì thu nhập của người dân sụt giảm.
Theo Tâm An (VietNamNet)