Trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, đồ uống và nhựa… tiếp tục trả cổ tức ở mức rất cao. Các cổ đông người Thái thu về một lượng lớn tiền mặt từ cổ tức.
Thông tin từ Sabeco cho biết, công ty dự kiến sẽ chia thêm cổ tức đặc biệt 15% cho năm 2022, qua đó nâng tổng mức cổ tức lên 50%. Cổ đông lớn đến từ Thái Lan, Vietnam Beverage được nhận hơn 1.700 tỷ đồng.
Tại Vinamilk, cổ đông Thái Fraser & Neave hiện nắm giữ tổng cộng hơn 20% vốn tại doanh nghiệp này. Trong năm 2022, Fraser & Neave thu về hơn 1.600 tỷ đồng. Với mức cổ tức bình quân khoảng 50%/năm, tính đến nay, ông lớn Thái thu về tổng cộng khoảng 12.000 tỷ đồng cổ tức .
Tại Nhựa Bình Minh (BMP), Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp đứng đầu ngành nhựa Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua. Trong năm 2022, BMP dành gần như toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức tỷ lệ 84%. Cổ đông Thái ước tính thu về hơn 370 tỷ đồng cổ tức. Tính trong thập kỷ qua, BMP có thể đã thu về cả nghìn tỷ đồng cổ tức từ doanh nghiệp Việt.
Hàng năm, người Thái đều thâu tóm thêm những doanh nghiệp đứng đầu trong nhiều lĩnh vực. Đây đều là những doanh nghiệp tiềm năng.
Sau những tên tuổi như Nhựa Bình Minh, Bao bì Tín Thành, một doanh nghiệp đầu ngành bao bì về tay chủ đầu tư người Thái là Nhựa Ngọc Nghĩa.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, Ngân hàng SHB cho biết, thương vụ bán công ty tài chính cho người Thái với giá nghìn tỷ đã hoàn tất. SHB đang thực hiện các thủ tục hành chính cuối cùng. Dự kiến trong tháng 5, đối tác sẽ trả 50% giá trị thương vụ.
Trước đó, giới đầu tư chứng kiến, Central Group - tập đoàn thuộc sở hữu của gia đình Chirathivat mua lại 49% cổ phần của đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim năm 2015. Sau đó, tỷ lệ sở hữu của tập đoàn nâng lên là 100%. Ngoài ra, tập đoàn Thái còn mua lại chuỗi siêu thị Lan Chi – thương hiệu hoạt động chủ yếu ở các vùng nông thôn Việt Nam.
Trong năm 2016, Central Group thành công thâu tóm Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp) trong thương vụ trị giá 1 tỷ USD.
TCC Group - một đại gia Thái khác hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ năm 2016 đã chi ra 655 triệu euro để thâu tóm chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam (nay đổi tên thành MM Mega Market).
Đây đều là những thương hiệu ăn nên làm ra tại Việt Nam.
Một số thông tin về doanh nghiệp niêm yết
* HPX: CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) xin tạm hoãn công bố thông tin BCTC kiểm toán tới 20/5 với lý do thay đổi đơn vị kiểm toán. Trước đó, từ ngày 25/4, cổ phiếu HPX đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đưa vào diện cảnh báo với lý do là chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày. HOSE cũng sẽ chuyển từ diện cảnh báo sang kiểm soát kể từ 12/5.
* ACV: Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) cho biết, chương trình hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam (giảm 50% phí cất hạ cánh) đã kết thúc trong năm 2022. Trong quý I/2023, ACV ghi nhận doanh thu thuần tăng 124% so với cùng kỳ lên 4.700 tỷ đồng, lãi ròng hơn 1.600 tỷ đồng (tăng 87%). ACV thông qua kế hoạch tổng thu từ phí cất hạ cánh (thuộc tài sản khu bay) đạt 2.681 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ.
* BII: Cổ phiếu BII bất ngờ tăng trần trong ngày Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đỗ Thành Nhân (cựu Chủ tịch Louis Holdings) và 7 đồng phạm bị về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Một số cổ phiếu nhóm Louis cũng tăng mạnh.
* VCG: Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) báo lợi nhuận quý I bốc hơi 98%. Dự kiến phát hành thêm gần 49 triệu cổ phiếu trả cổ tức.
* TTF: TTF thoát lỗ quý I/2023 nhưng còn lỗ lũy kế 3.073 tỷ đồng.
* VNR: Tổng CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam - Vinare (VNR) báo lợi nhuận ròng quý I/2023 đạt 210 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước và hoàn thành nửa mục tiêu năm.
* HBC: Xây dựng Hòa Bình bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 15/5, do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với quy định.
Giao dịch trên thị trường
* VN-Index: Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch 9/5 tiếp tục tăng khá ấn tượng. Tuy nhiên, áp lực bán nhanh chóng dâng cao khiến VN-Index giằng co quanh mốc tham chiếu trong phiên chiều.
Chỉ số VN-Index chốt phiên 9/5 tăng 0,33 điểm (+0,03%) lên mốc 1.053,77 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 1,03 điểm lên 211,95 điểm. Upcom-Index giảm 0,01 điểm xuống 78,34 điểm.
* Thanh khoản: Thanh khoản trên 3 sàn vẫn quanh mức thấp so với trung bình vài năm qua. Thanh khoản ngày 9/5 đạt 10.900 tỷ đồng, trong đó có 9.338 tỷ đồng trên sàn HOSE.
* Khối ngoại: Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng 257 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất CTG, KBC, NLG.
* Tự doanh: Ngược chiều khối ngoại, tự doanh CTCK mua ròng gần 37 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Trên UPCoM, tự doanh CTCK ghi nhận mua ròng mạnh 131 tỷ đồng, tập trung gom TBD của Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh-CTCP với hơn 126 tỷ đồng.
* HOSE: Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã phối hợp với các bên liên quan hiệu chỉnh giờ hệ thống giao dịch theo thời gian chuẩn sau khi dữ liệu trực tuyến bị chậm 4 phút trong phiên 8/5.
Sự kiện trong nước và quốc tế tác động tới TTCK
* China Trust Vietnam Opportunity Fund thông báo sẽ tiếp tục huy động vốn lần thứ 5 để đầu tư vào Việt Nam từ ngày 8/5. Giá trị huy động khoảng 5 tỷ TWD, tương đương 163 triệu USD (khoảng 3.800 tỷ đồng). Tính đến cuối tháng 3/2023, quy mô của China Trust Vietnam Opportunity Fund đạt khoảng 743 triệu USD. Danh mục hiện có FPT, HPG, VHM, STB, CTG, MBB, VPB, VCB.
* Theo Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, nhiều doanh nghiệp lớn cho biết đã bán gần hết tài sản, những gì bán được đã bán với chỉ 50% giá thực, và người mua là nước ngoài.
* Hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD lên kế hoạch sản xuất xe điện ở Việt Nam và kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ. Theo Reuters, tổng vốn đầu tư có thể vượt 250 triệu USD.
* GS Đặng Hùng Võ: Thị trường bất động sản hiện nay có những khó khăn hơn thị trường của 10 năm trước. Gốc rễ của khó khăn hiện tại một phần do tắc nghẽn nguồn vốn. Bởi vốn tín dụng chưa được khơi thông, lãi suất cho vay cao, room tín dụng không nới lỏng, thị trường trái phiếu mất niềm tin của khách hàng.
* CTCK Tiên Phong (TPS) đưa ra 3 kịch bản cho VN-Index trong thời gian tới. Ở kịch bản tích cực, VN-Index nhiều khả năng trở lại trên vùng hỗ trợ 1.050-1.060 điểm để hướng đến đường SMA 200 ngày (quanh mức 1.100 điểm).
TPS cho rằng, sau giai đoạn tăng điểm đầy tích cực trong tháng trước đó nhờ các chính sách mới được ban hành, sự hưng phấn nơi nhà đầu tư đã suy giảm đáng kể khi các chính sách này vẫn cần thêm thời gian thẩm thấu vào nền kinh tế.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)