CTCP Vincom Retail (VRE) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng mạnh. Trong bối cảnh tiêu dùng hồi phục, du lịch tăng trưởng và bất động sản bán lẻ khan hiếm nguồn cung mới chất lượng, Vincom Retail tiếp tục bứt lên nhờ lợi thế sở hữu 83 trung tâm thương mại ở các vị trí trung tâm tại 44 tỉnh thành trên cả nước.
Trong quý II, Vincom Retail ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.173 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng, Vincom Retail của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.116 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.025 tỷ đồng, tăng trưởng 76% so với cùng kỳ.
Biên lợi nhuận thuần từ hoạt động cho thuê trung tâm thương mại trong 6 tháng khá cao, đạt 76%.
Trong báo cáo thường niên năm 2022, bà Trần Mai Hoa, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VRE cho biết, công ty đang có nhiều cơ hội để phục hồi và phát triển, tạo ra bước đột phá trong năm 2023.
Trong năm 2023, Vincom Retail kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng trưởng hai chữ số và cao nhất kể từ khi thành lập.
Năm 2022, VRE mở mới 3 trung tâm thương mại và có tỷ lệ lấp đầy trên 94%. Theo kế hoạch, trong năm nay, doanh nghiệp này sẽ khai trương 2 trung tâm thương mại mới là Vincom Mega Mall Grand Park tại TP.HCM và Vincom Plaza Hà Giang, với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ 55.000 m2. Qua đó nâng tổng số lên 85 trung tâm thương mại tại 45/63 tỉnh thành trên cả nước.
Sóng ngầm thị trường bất động sản bán lẻ
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của VRE được đề xuất dựa trên kỳ vọng của ban lãnh đạo về triển vọng kinh tế và môi trường kinh doanh năm 2023 khởi sắc hơn so với năm trước và thị trường tiếp tục hồi phục sau đại dịch COVID-19.
Tại đại hội cổ đông thường niên (ĐHCĐ) năm 2023 cuối tháng 4, Vincom Retail trình phương án toàn bộ lợi nhuận sẽ được giữ lại sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cần nguồn vốn hơn 12.000 tỷ đồng để hướng đến phát triển mạng lưới dự án khoảng 800.000 m2.
Cũng tại ĐHCĐ, bà Trần Mai Hoa cho biết, các chủ đầu tư, nhà bán lẻ đánh giá, quý I là đợt thấp điểm của ngành này. Thị trường sẽ hồi phục từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, cao điểm nhất là hè và mùa thu đông.
VRE cho biết, những hãng bán lẻ, những chuỗi bán lẻ lớn bắt đầu xâm nhập thị trường tỉnh ngoài TP.HCM và Hà Nội.
Mặc dù vậy, thị trường bán lẻ tiềm ẩn con sóng ngầm cho dù bất động sản bán lẻ trên đà tăng trưởng ổn định. Làn sóng tháo chạy của một số thương hiệu từ nhỏ đến lớn thời gian qua như Parkson rút khỏi Việt Nam sau 2 thập kỷ thua lỗ cho thấy cuộc đua tranh khốc liệt trong ngành.
Parkson xuất hiện tại Việt Nam khá sớm nhưng hụt hơi với những đối thủ cạnh tranh trực tiếp, do chỉ tập trung phục vụ mua sắm đơn thuần, thiếu các không gian mở đa dạng từ mua sắm đến vui chơi, giải trí…
Bên cạnh đó, sau đại dịch, nhu cầu mua sắm giảm và sức ép tài chính khiến nhiều thương hiệu bán lẻ không mở rộng chuỗi cửa hàng bằng mọi giá, chọn vị trí đẹp mà tập trung vào chất lượng cũng như khả năng sinh lời.
Bên cạnh đó thị trường cạnh tranh khi nhiều trung tâm mua sắm mới sắp đi vào hoạt động như Vincom Megamall Grand Park (TP. Thủ Đức) và Central Premium Plaza (quận 8), hay AEON Mall Hoàng Mai trong vài năm tới. Từ nay đến năm 2025, AEON sẽ có thêm từ 3 - 4 dự án mới tại Hà Nội.
Trong năm 2022, VRE ghi nhận 7.361 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.777 tỷ đồng, tăng 111% và vượt 16% kế hoạch cả năm. Biên lợi nhuận sau thuế ở mức 38%.
Trong năm 2023, VRE đặt kế hoạch doanh thu thuần 10.350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.680 tỷ đồng, tăng lần lượt 41% và 69% so với năm 2022.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)