Formosa Hà Tĩnh: Vốn 10 tỷ USD, đã lỗ dồn hơn 1 tỷ USD

24/12/2020 15:51:47

Phân tích tình hình tài chính của một số dự án đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2019, Bộ Tài chính phát hiện những bức tranh trái ngược. Bên cạnh việc không ít FDI lớn lỗ nhiều, nộp ngân sách thấp thì cũng có nhiều điểm sáng.

 

Báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Bộ Tài chính có nhiều nội dung đáng chú ý với những bức tranh trái ngược liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI lớn.

DN FDI lớn lỗ nhiều, nộp ngân sách thấp

Với Fomorsa Hà Tĩnh, tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của công ty là trên 286 nghìn tỷ đồng. Nợ phải trả gần 186 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là trên 64,3 nghìn tỷ đồng, nợ dài hạn là trên 121 nghìn tỷ đồng.

Formosa Hà Tĩnh lỗ lũy kế trên 25,3 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu của công ty này năm 2019 là trên 72 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2018 nhưng năm 2019 vẫn lỗ tới hơn 11,5 nghìn tỷ đồng. Con số này gấp 4,2 lần so với mức lỗ 2.727 tỷ đồng của năm trước đó.

Formosa Hà Tĩnh: Vốn 10 tỷ USD, đã lỗ dồn hơn 1 tỷ USD
Dự án Formosa Hà Tĩnh 10 tỷ USD. Ảnh: Lương Bằng

Một điểm đáng chú ý khác là Formosa Hà Tĩnh năm 2019 chỉ nộp ngân sách nhà nước 51,6 tỷ đồng (công ty này đang trong thời hạn hưởng nhiều ưu đãi - PV).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nợ ngắn hạn của Formosa Hà Tĩnh đã vượt quá tài sản ngắn hạn là hơn 25,4 nghìn tỷ đồng, dẫn đến hệ số về khả năng thanh toán hiện thời ở mức thấp là 0,6 lần. “Điều này cho thấy công ty sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư tài sản dài hạn”, Bộ Tài chính lưu ý.

Ngoài ra, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản ngắn hạn, cùng với việc nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, dẫn đến khả năng thanh toán nhanh ở mức rất thấp với hệ số là 0,19 lần. “Các hệ số thanh toán đều ở mức rất thấp cho thấy công ty đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ”, Bộ Tài chính cảnh báo.

Một công ty sản xuất thép khác cũng bị chỉ ra nhiều điểm hạn chế là Công ty CP thép Posco Yamoto Vina (Bà Rịa - Vũng Tàu). Lỗ lũy kế của công ty này là hơn 8.900 tỷ đồng. Năm 2019, công ty này báo lỗ là 2.780 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 1.094 tỷ đồng của năm trước. Số nộp ngân sách năm 2019 là 41 tỷ đồng.

Như vậy, theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2018 và 2019, hai doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong nhóm ngành “sản xuất sắt, thép và kim loại khác” là Formosa Hà Tĩnh và Posco Yamoto Vina có tình hình tài chính không lành mạnh, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm, đóng góp vào ngân sách nhà nước “rất hạn chế”.

Đối với hai doanh nghiệp này, Bộ Tài chính cho rằng: Mặc dù hai năm liền tình hình tài chính bị tác động do giá sắt, thép toàn cầu trong xu hướng giảm, tổng doanh thu của hai doanh nghiệp vẫn tăng từ 77.456 tỷ đồng lên 82.741 tỷ đồng, còn nộp ngân sách lại giảm từ 101 tỷ đồng xuống 92,6 tỷ đồng.

Theo đó, “đóng góp cho ngân sách nhà nước chưa tương xứng với những ưu đãi (đất đai, thuế,... ) dành cho những doanh nghiệp lớn này.

Điện, điện tử làm ăn tốt

Trái ngược với bức tranh ảm đạm của hai doanh nghiệp thép lớn nói trên, Bộ Tài chính cũng chỉ ra những điểm sáng của FDI Việt Nam.

Formosa Hà Tĩnh: Vốn 10 tỷ USD, đã lỗ dồn hơn 1 tỷ USD - 1
Samsung nộp ngân sách lớn.

Đối với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV Bắc Ninh), Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu năm 2019 là hơn 447 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức trên 452 nghìn tỷ đồng của năm 2018. Lợi nhuận sau thuế của SEV Bắc Ninh là hơn 35 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 2.850 tỷ đồng.

Còn đối với Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên), tổng doanh thu năm 2019 là hơn 657,6 nghìn tỷ đồng, tăng so với mức trên 597 nghìn tỷ đồng của năm 2018. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 của công ty là hơn 46 nghìn tỷ đồng, số nộp ngân sách nhà nước là 2.079 tỷ đồng, tăng so với mức 1.268 tỷ đồng của năm 2018.

Theo Bộ Tài chính, SEV Bắc Ninh và SEV Thái Nguyên là hai doanh nghiệp lớn nhất trong 967 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành “linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy vi tính, thiết bị quang học” khi doanh thu chiếm đến 48% tổng doanh thu của toàn nhóm ngành. Cả hai đều có khả năng sinh lời ở mức cao.

Trong lĩnh vực sản xuất, phân phối kinh doanh điện, Bộ Tài chính phân tích tình hình tài chính của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 và Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương. Đây là hai dự án điện BOT.

Dự án Vĩnh Tân 1 vận hành từ tháng 7/2018, thời hạn hoạt động là 25 năm kể từ ngày vận hành. Doanh thu năm 2019 của công ty này là hơn 15,2 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 3.600 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 508 tỷ đồng.

Còn dự án điện của Công ty Điện lực AES Mông Dương vận hành từ tháng 3/2015. Nợ phải trả của công ty là hơn 25,9 nghìn tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2,51 lần, thấp hơn mức tối đa quy định tại hợp đồng BOT 4 lần. Hệ số khả năng thanh toán hiện thời là 1,13 lần; hệ số khả năng thanh toán nhanh là 0,91 lần ở dưới ngưỡng hợp lý cho thấy công ty có khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ.

Bộ Tài chính đánh giá: Tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 2 doanh nghiệp trên “là tốt”, khả năng sinh lời cao hơn so với số liệu bình quân chung của nhóm ngành “sản xuất, phân phối, kinh doanh điện”.

Theo Lương Bằng (VietNamNet)

Nổi bật