Theo báo cáo tài chính vừa công bố, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ gần 3.500 tỷ đồng trong quý IV/2020, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, giá vốn chỉ giảm 32% khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của FLC giảm 82%, xuống âm gần 670 tỷ đồng.
Tuy nhiên, FLC cho biết doanh thu tài chính quý IV đạt 3.686 tỷ đồng (tăng 149%) nhờ tái cơ cấu các khoản đầu tư. Vì vậy, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 2.400 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Trong quý III, nguồn thu từ hoạt động tài chính cũng giúp FLC có lãi sau nửa đầu năm lỗ khoảng 2.700 tỷ đồng.
Luỹ kế từ đầu năm, doanh thu tài chính của FLC đạt 5.457 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2019. Trong khi doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ giảm 16%, chỉ đạt gần 13.400 tỷ đồng. Theo FLC, giá vốn bán hàng cả năm giảm không đáng kể do chi phí thuê tàu bay, dịch vụ mặt đất, chi phí vận hành khách sạn tăng cao. Cả năm 2020, FLC ghi nhận khoản lãi sau thuế 183,2 tỷ đồng, giảm 74% so với năm 2019.
Tuy nhiên, kết quả này có thể coi là khá tích cực với doanh nghiệp có hoạt động trong những lĩnh vưc bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 là du lịch và hàng không. Tại đại hội cổ đông hồi giữa năm 2020, FLC dự kiến lỗ gần 2.000 tỷ đồng. Khi đó, lãnh đạo FLC cho biết sẽ tập trung mọi nguồn lực, chủ động hơn nữa trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực vốn là thế mạnh để đạt hiệu quả tối đa.
Trong lĩnh vực bất động sản, FLC đã và đang triển khai đầu tư tại hơn 40 tỉnh, thành. Dự kiến năm 2021, doanh nghiệp này sẽ phát triển và ra mắt gần 20 dự án tại các thị trường Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Bình Định, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Tháp... thuộc 2 phân khúc chiến lược là bất động sản nghỉ dưỡng và đô thị.
Đến hết năm 2020, tổng tài sản của FLC đạt gần 38.500 tỷ đồng, tăng gần 6.500 tỷ so với hồi đầu năm. Đối ứng bên phía nguồn vốn là nợ phải trả khoảng 25.170 tỷ đồng và vốn sở hữu gần 12.300 tỷ đồng.
Anh Tú (VnExpress)