FLC Faros tăng khống vốn: Xử phạt hành chính hay xử lý hình sự?

29/08/2022 14:17:41

“Trước khi lên sàn, việc tăng vốn thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, nếu vi phạm quy định về tăng vốn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ”, theo LS Đặng Văn Cường.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (Ủy ban Chứng khoán) vừa có thông tin phản hồi về việc Công ty CP Xây dựng FLC Faros (ROS) tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng. Việc này xảy ra trước khi doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu ROS trên thị trường chứng khoán.

Hành vi này vi phạm khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp về “Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”. Theo đó, ROS tăng vốn ảo trước khi lên sàn không thuộc sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và không chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban và Bộ Tài chính.

FLC Faros tăng khống vốn: Xử phạt hành chính hay xử lý hình sự?
 Ảnh minh họa.

Xử phạt hành chính FLC Faros tăng vốn ảo theo Nghị định 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về việc tăng khống vốn của Công ty FLC Faros trước niêm uyết trên sang chứng khoán vi phạm Luật Doanh nghiệp, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 122/2021/NĐ-CP, hay xử lý trách nhiệm hình sự, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, quan điểm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là khách quan và đúng quy định của pháp luật.

“Việc tăng vốn điều lệ có thể được thực hiện ở giai đoạn trước khi lên sàn chứng khoán và có thể là sau khi doanh nghiệp đã lên sàn. Công ty FLC Faros (mã chứng khoán ROS) đã tăng vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng vào tháng 3/2014 lên 4.300 tỷ đồng vào tháng 3/2016, tương ứng gấp 2.867; là được thực hiện trước khi lên sàn chứng khoán, vi phạm Luật Doanh nghiệp và bị xử phạt hành chính theo Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Theo Tiến sĩ luật học Đặng Văn Cường, những người chỉ thực hiện hành vi tăng khống vốn điều lệ của Công ty FLC Faros, nhưng không chiếm đoạt tài sản, hành vi không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì những người này chỉ bị xử phạt hành chính đến 100 triệu đồng theo quy định của pháp luật.

Tăng vốn khống trước khi Doanh nghiêm niêm uyết và hành vi thao túng thị trường chứng khoán lừa đảo nhà đầu tư: Cần tách bạch trách nhiệm các chủ thể!

“Khi doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán và có sai phạm liên quan đến việc tăng vốn trước khi lên sàn, thì Ủy ban chứng khoán không chịu trách nhiệm vì sự việc xảy ra thì cơ quan này chưa quản lý. Nếu việc tăng vốn diễn ra sau khi doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, Ủy ban chứng khoán phải có trách nhiệm kiểm tra, ra soát, phát hiện và xử lý, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

FLC Faros tăng khống vốn: Xử phạt hành chính hay xử lý hình sự? - 1
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. 

Nhận định về vụ việc tăng khống vốn điều lệ của Công ty FLC Faros, theo Tiến sĩ, Luật sư Đăng Văn Cường, kết quả điều tra ban đầu cho thấy việc tăng vốn của doanh nghiệp được thực hiện trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán và hành vi này chỉ vi phạm về mặt hành chính và bị xử lý hành chính là phù hợp với quy định của pháp luật.

“Hành vi thao túng thị trường chứng khoán, bán các cuộc phiếu để kiếm tiền là một việc khác, cần tách bạch trách nhiệm của các chủ thể đối với sự việc này. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành tội phạm nếu như giữa hành vi và hậu quả có mối quan hệ nhân quả. Trường hợp việc tăng vốn từ nhiều năm trước không nhằm mục đích và hoàn toàn những người làm tăng vốn thời điểm trước khi ROS lên sàn chứng khoán chỉ nhằm làm đẹp hồ sơ doanh nghiệp; rồi không biết được những gì diễn ra những năm sau này; không ăn chia trục lợi từ chiếm đoạt tiền từ nhà đầu tư, thì không đủ căn cứ để quy kết trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân ở thời điểm tăng khống vốn. Hành vi này chỉ có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật; chứ không thể quy tội lừa đảo nhà đầu tư theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với vi phạm về kê khai vốn điều lệ như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.

Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Theo Hải Minh (Kienthuc.net.vn)