Eximbank: Đã đến lúc khép lại 'thập kỷ hỗn độn'

13/11/2024 08:16:54

Dung hòa những xung đột là điều tất yếu mọi doanh nghiệp đều có thể phải trải qua. 35 năm phát triển, giờ là lúc HĐQT Eximbank cần có được sự thống nhất cao về tầm nhìn chiến lược, vì mục tiêu ổn định lâu dài, bền vững.

Tiếc cho thương hiệu Eximbank

Ra đời từ năm 1989 và trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) từng là một thương hiệu mạnh trong ngành Tài chính – Ngân hàng của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. 

Sau hơn thập kỷ phát triển, Eximbank đã có vốn điều lệ 17.470 tỷ đồng cùng 216 điểm giao dịch trên cả nước, là ngân hàng có thế mạnh trong lĩnh vực hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Cổ phiếu EIB của Eximbank cũng từng là một mã cổ phiếu “hot” trên thị trường chứng khoán. Thậm chí, Tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) từng rót 225 triệu USD để trở thành cổ đông lớn của nhà băng này bằng việc nắm giữ 15% cổ phần của ngân hàng vào năm 2007.

Thế nhưng những cuộc “đấu đá” ở thượng tầng giữa các cổ đông lớn đã kéo Eximbank trở từ một ngân hàng lớn mạnh trở thành “một mớ hỗn độn” trong những năm qua.  Từ một ngân hàng thu về lợi nhuận lên tới hơn 4.000 tỷ đồng vào năm 2011, thế nhưng đến năm 2023 lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ đạt hơn 2.700 tỷ đồng. 

Cuộc khủng hoảng tại Eximbank được giới truyền thông mô tả ngắn gọn trong cụm từ “thập kỷ hỗn độn” với việc 9 lần thay Chủ tịch HĐQT chỉ trong vòng 10 năm. Từ sau khi ông Lê Hùng Dũng rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT, Eximbank lần lượt bầu ra các Chủ tịch HĐQT, lần lượt gồm: Ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh, ông Nguyễn Quang Thông, rồi lại ông Yasuhiro Saitoh, tiếp tục là bà Lương Thị Cẩm Tú, bà Đỗ Hà Phương và hiện tại là ông Nguyễn Cảnh Anh. Đằng sau mỗi lần đổi ghế Chủ tịch HĐQT là một cuộc chiến không khoan nhượng giữa các nhóm cổ đông. 

Không loại trừ trường hợp do quá mệt mỏi với cuộc chiến quyền lực ở thượng tầng, đến tháng 1/2023 cổ đông chiến lược SMBC đã thông báo chính thức không còn là cổ đông lớn tại Eximbank. Trước đó, tháng 10/2022, nhóm cổ đông liên quan đến Thành Công cũng lần lượt thoái vốn khỏi nhà băng này.

Đỉnh điểm của những bất đồng nội bộ này là những kỳ Đại hội cổ đông bất thành khiến cho câu chuyện của Eximbank luôn là đề tài nóng hổi vào mỗi mùa Đại hội cổ đông.

Eximbank: Đã đến lúc khép lại 'thập kỷ hỗn độn'
Danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ tại ngày 10/10/2024 do Eximbank công bố.

Eximbank cần có một bước ngoặt

Những tưởng tình hình sẽ bớt rối ren hơn khi Eximbank đón hai cổ đông mới, đồng thời cũng là hai cổ đông lớn nhất của ngân hàng là Tập đoàn Gelex (nắm giữ 10% cổ phần) và Ngân hàng Vietcombank (4,51% cổ phần). 

Thế nhưng thị trường gần đây lan truyền văn bản "kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank". Sự việc đã khiến cho Eximbank phải chính thức lên tiếng khẳng định tài liệu này không xuất phát từ ngân hàng và chưa được xác thực. 

Eximbank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường tại Hà Nội vào ngày 28/11/2024 với nội dung chính là sẽ thông qua việc chuyển trụ sở chính từ TP.HCM ra Hà Nội. Quyết định mang tính bước ngoặt lịch sử này được kỳ vọng sẽ là cú huých lớn để Eximbank có một diện mạo mới. Nhà băng này cần một chiến lược tái cơ cấu đúng đắn nhằm giải quyết các vấn đề hiện tại; củng cố, nâng cấp các hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro… Điều này có thể nhìn thấy từ bài học thành công của TPbank sau khi Tập đoàn DOJI của doanh nhân Đỗ Minh Phú rót vốn và tham gia tái cơ cấu. Sự chia sẻ của các cổ đông/đối tác chiến lược có tiềm lực, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm và một ban điều hành có năng lực, tâm huyết và dày dạn kinh nghiệm đã giúp TPbank hoàn toàn “lột xác”. 

Theo báo cáo mới nhất của Eximbank về danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ, có 3 cổ đông tổ chức lớn nhất là Gelex, Vietcombank, và Chứng khoán VIX và chỉ có hai cổ đông cá nhân là bà Lương Thị Cẩm Tú (1,12%) và bà Lê Thị Mai Loan (1,03%). 

Với cơ cấu cổ đông cô đặc nói trên, cùng với việc Eximbank muốn dời trụ sở chính ra Hà Nội, nhà đầu tư kỳ vọng HĐQT Eximbank sẽ bỏ lại đằng sau “một thập kỷ hỗn độn” để cùng nhau nhìn về một hướng, đưa Eximbank lấy lại vị thế vốn có.

Thực tế, với lịch sử của ngân hàng, Eximbank có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để có thể bứt phá, trở thành một ngân hàng năng động, hiệu quả. Tính đến cuối quý 3/2024, tổng tài sản của Eximbank đã tăng 11% so với hồi đầu năm, đạt 223.683 tỷ đồng. Trong đó, dư nơ vay tăng trưởng 14%, đạt 159.483 tỷ đồng, và huy đông vốn từ tổ chức kinh tế và cư dân tăng 7%, đạt 167.603 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Eximbank thu về 2.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện, Eximbank tuyên bố đang tăng tốc để trở thành “Ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam dẫn dắt bởi tính chuyên nghiệp và liêm chính”. Đó không chỉ là tầm nhìn của Eximbank mà còn là kỳ vọng của khách hàng và các nhà đầu tư trên thị trường.

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)