Trong 3 năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xử lý xong tới 37.000 tỷ đồng lỗ, chiếm 97% tổng lỗ. Tuy nhiên, lỗ cũ chưa dứt thì nay EVN lại tiếp tục lòi thêm khoản lỗ khủng.
Thế nhưng, tại hội nghị tổng kết hôm 13/1, Tổng giám đốc EVN, ông Phạm Lê Thanh đã giãi bày, lỗ, cân bằng tài chính là một trong ba thách thức lớn nhất hiện nay của EVN.
Quyết định 854 của Thủ tướng đã đề rõ, đến 2015, EVN về cơ bản phải giải quyết xong khoản lỗ, cân bằng tài chính. Nhưng với tình hình hiện nay, EVN sẽ không có nguồn nào để cân bằng được.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xử lý xong tới 37.000 tỷ đồng lỗ, chiếm 97% tổng lỗ. |
Ông Thanh khẳng định, hiện tổng cộng lỗ của EVN đã lên tới 16.800 tỷ đồng, vẫn chưa có nguồn cân đối được.
Cuối năm 2014, EVN đã đề xuất các phương án điều chỉnh giá điện bán lẻ, với mức tăng 9,5%. Tuy nhiên, cho đến nay, các kế hoạch cụ thể này vẫn được Bộ Công thương giữ kín. Gần đây nhất, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN chỉ "hứa", giá điện sẽ không tăng trước Tết.
Vấn đề tổn thất điện năng cũng đang là một thách thức lớn của EVN trong nhiều năm nay. |
Tổng Giám đốc EVN giãi bày, chúng ta mới tiết kiệm được trong dân cư, còn trong sản xuất công nghiệp vẫn chưa đạt được, dù năm nào cũng hô hào tiết kiệm được. Ví dụ, Tổng công ty Điện lực miền Nam có tới 63% sản lượng điện vào đi vào công nghiệp, xây dựng, nhưng hiệu quả GDP làm ra thấp. Tới đây, kiểm toán năng lượng thì phải tính tới thay đổi công nghệ như thế nào cho phù hợp.
"Như vậy, cơ cấu sử dụng điện ở Việt Nam còn lãng phí. Các ngành công nghiệp còn sử dụng công nghệ 'bẩn', như xi măng vẫn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, 'ăn' rất nhiều điện", ông Thanh đúc kết.
Không chỉ vậy, vấn đề tổn thất điện năng cũng đang là một thách thức lớn của EVN trong nhiều năm nay.
Mặc dù hệ thống điện của Việt Nam hiện nay đã có quy mô lớn, đủ điện về tổng thể, với 30% công suất dành cho dự phòng. Nhưng việc phân bổ nguồn điện lại không cân đối giữa các khu vực. Phần nguồn vẫn chủ yếu "nằm" ở miền Bắc. Đó là lý do mà EVN đã dự báo tới năm 2017, miền Nam sẽ thiếu điện. Để khắc phục, EVN truyền tải điện từ Bắc vào Trung - Nam để đảm bảo cung ứng điện. Và mặt trái của việc truyền tải này là hiện tượng quá tải hệ thống.
Tập đoàn EVN đã giao chỉ tiêu về cho các Tổng công ty phân phối điện là 6%, Tổng công ty truyền tải là 2% nhưng với tình trạng quá tải trên, việc giảm tỷ lệ tổn thất điện năng về 8% theo yêu cầu của Thủ tướng là không hề dễ, ông Thanh nhấn mạnh.
Tổng giám đốc EVN thừa nhận, EVN chưa làm được nhiệm vụ Chính phủ giao, là làm sao giảm tổn thất điện năng, sử dụng công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng. Song rõ ràng, một mình EVN không làm được.
Công suất lắp đặt trên hệ thống điện đã đạt trên 30 ngàn MW. Hệ thống điện lực của Việt Nam đã đứng thứ 31 trên thế giới, thứ 3 ở Đông Nam Á, nhưng nhưng tiêu thụ điện vẫn chưa hiệu quả, lãng phí.
Theo Phạm Huyền (Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam)