Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) là một Hiệp định thương mại thế hệ mới - lần đầu tiên nêu rõ các tiêu chuẩn bảo vệ người lao động và môi trường. Có nghĩa, cùng với những yêu cầu khắt khe nhằm bảo vệ môi trường nói chung thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã thống nhất thực hiện các cam kết được khẳng định trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bao gồm: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, chấm dứt lao động cưỡng bức, xóa bỏ lao động trẻ em và xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử trong lao động.
Thực hiện những cam kết này, Chính phủ Việt Nam đang và sẽ phải xem xét lại các chính sách và pháp luật về lao động sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn và thông lệ quốc tế. Điều này cũng mở ra đồng thời những cơ hội và thách thức cho cả người lao động và doanh nghiệp, với yêu cầu phải tự thay đổi mình.
Ông Nguyễn Hải Minh – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham chi nhánh Hà Nội) nêu ví dụ khẳng định thực tiễn này: “Trong một thời gian dài thì mục tiêu ưu tiên chiến lược của các doanh nghiệp là làm sao để giảm thiểu chi phí và làm sao tạo ra sản phẩm của mình với mức giá thấp hơn để bán được hàng nhiều hơn. Tuy nhiên, ngày nay, những tập đoàn đa quốc gia đặc biệt là các doanh nghiệp ở Châu Âu còn đòi hỏi những đối tác xuất khẩu của mình phải tuân thủ những điều kiện khắt khe về xã hội hay môi trường.
Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam thỏa mãn nhiều điều kiện về giá thành, chất lượng sản phẩm nhưng những điều kiện khác không thỏa mãn và thế là không thể kí kết. Việc nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội cho các doanh nghiệp Việt Nam là điều cấp thiết, tiêu chuẩn đầu tiên là trách nhiệm xã hội về vấn đề lao động. Nói một cách đơn giản là làm thế nào để phát triển được môi trường cho người laođộng ở doanh nghiệp bởi nếu làm tốt thì sẽ làm tăng năng suất lao động, tốt hơn cho nền kinh tế”.
Với tác động của các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, ông Simon Matthews, Tổng Giám Đốc Tập đoàn Manpower Việt Nam-Thái Lan-Trung Đông cho rằng, vào năm 2020, khoảng 84% doanh nghiệp toàn cầu sẽ đầu tư đào tạo và nâng cấp kỹ năng cho người lao động. Việt Nam cần nhạy bén, tiếp cận nhanh xu hướng này để có một chiến lược phát triển nhân lực, nhân tài hợp lý, nhất là trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, thiếu hụt nhân tài trầm trọng.
Kinh nghiệm quốc tế Việt Nam có thể tham khảo, vận dụng, điều chỉnh là 1 chiến lược rõ ràng, gồm 3 bước: xây dựng, phát triển nguồn nhân lực từ trong nước; săn nhân tài, mở rộng nguồn nhân lực hay nói cách khác là thu hút nhân tài trên thế giới phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong nước và cuối cùng là phải thực hiện chuyển đổi cơ cấu nhân lực phù hợp.
“Để có thể phát triển lên tầm cao mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0, việc phát triển nhân tài cần là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp tại Việt Nam. Để thành công, các doanh nghiệp cần vạch ra những chiến lược nhân tài phù hợp, trong đó phát triển và đào tạo nhân tài nội bộ đóng vai trò cực kỳ quan trọng để thu hút và giữ chân lực lượng lao động 4.0 trong thời đại số hiện nay”, ông Simon Matthews nhấn mạnh.
Nguồn nhân lực ở giai đoạn nào của nền kinh tế cũng đóng vai trò then chốt. Trong bối cảnh kinh tế mới, không chỉ tác động của các hiệp định thương mại thế hệ mới mà tác động của những phương thức kinh doanh mới, kinh doanh số, đòi hỏi về nguồn nhân lực ngày càng cao, đó là nguồn nhân lực số. Bởi vậy, doanh nghiệp nào, nền kinh tế nào quan tâm phát triển nguồn nhân lực, quan tâm chăm lo cho nhân lực, doanh nghiệp đó, nền kinh tế đó sẽ phát triển.
Đó là khẳng định của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Thế nhưng, kết quả cuộc khảo sát mới đây do bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cung cấp cho thấy một thực tế đáng báo động về nhận thức của các doanh nhân-doanh nghiệp Việt Nam về thách thức, cơ hội của chính mình và của nền kinh tế trong bối cảnh mới.
“Việc nói chung chung EVFTA sẽ góp phần tăng GDP hay tăng xuất khẩu sẽ không có tác dụng đối với từng doanh nghiệp, ngành hàng mà chúng ta cần phải biết là khi kinh doanh với thị trường EU thì sản phẩm của doanh nghiệp được ưu đãi gì, có tác động như thế nào. Cho nên, câu chuyện đầu tiên vẫn phải là làm thế nào để hiểu hiệp định. Điều tra của VCCI 2018 ghi nhận trên 6.800 doanh nghiệp với câu hỏi là doanh nghiệp hiểu biết gì về hiệp định thì có tới 60% biết nhưng đó chỉ là có nghe nói, có biết đến còn 21% đã tìm hiểu một số thông tin, 1,5% là đã tìm hiểu. Việc tìm hiểu và biết về những cam kết của hiệp định sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp. Chúng ta cần chuẩn bị kỹ để khi cơ quan nhà nước có những văn bản quy định chi tiết các cam kết của hiệp định thành các văn bản thi hành cụ thể thì các doanh nghiệp nắm được để thi hành cho đúng, đạt hiệu quả cao, nâng cao năng lực cạnh tranh”, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay.
Những thông tin từ cơ quan đại diện giới chủ sử dụng lao động cho thấy, cơ hội từ EVFTA là rất lớn, nhưng nếu nhiều doanh nhân-doanh nghiệp vẫn tiếp tục thờ ơ với những điều khoản được đặt ra trong Hiệp định, cơ hội sẽ đến chậm trễ hơn hoặc đánh mất cơ hội trong sản xuất kinh doanh và hợp tác đầu tư quốc tế. Trong đó, nhiều cơ hội lớn chắc chắn sẽ được tạo ra từ chính nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
Nguồn nhân lực là yếu tố cần được các doanh nhân, doanh nghiệp quan tâm, đầu tư bài bản, càng sớm càng tốt.
Theo Thu Trang (VOV.VN)