Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Anh Trung, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Chứng khoán Hải Phòng kể: "Chúng tôi vừa tư vấn cho nhà đầu tư về thương vụ Cảng Hải Phòng. Lượng vốn Nhà nước chào bán ở đây chỉ 5% vốn điều lệ. Mới đầu công bố, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng khi đấu giá lần đầu tiên với tỷ lệ vài phần trăm ra bên ngoài quá ít nên họ không hào hứng nữa, đấu giá không thành công".
"Các nhà đầu tư cho biết, họ có mua tỷ lệ này cũng không giải quyết được gì. Hầu hết, họ muốn nắm giữ tỷ lệ hợp lý để tham gia vào quản trị DN", ông Trung nói.
Ông Trung thẳng thắn: "Khi NN còn nắm giữ cổ phần chi phối trên 50% thì có muốn đẩy mạnh thoái vốn NN phần còn lại, cũng không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Trong thoái vốn, vấn đề quan trọng cần lưu tâm là nhu cầu nhà đầu tư muốn mua như thế nào".
Ông Hoàng Nguyên Ngọc, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng cho rằng, bán cả lô là cơ chế hiệu quả. Ở nhiều trường hợp, các nhà đầu tư quan tâm thì họ muốn mua cả lô, trong trường hợp này họ sẽ trả giá cao, kể cả công ty niêm yết.
Vấn đề bán đấu giá cổ phần hoá trọn lô đã được đặt ra ngay từ giữa năm ngoái, nhưng cho đến nay, quy định pháp lý vẫn chưa có |
Trên thực tế, vấn đề bán đấu giá cổ phần hoá trọn lô đã được đặt ra ngay từ giữa năm ngoái, nhưng cho đến nay, quy định pháp lý vẫn chưa có. Trong khi đó, ở lĩnh vực xây dựng, lại có tình trạng phát hành thêm vốn, giữ nguyên sở hữu chi phối của Nhà nước nên càng khiến nhà đầu tư bên ngoài không mặn mà.
Tại hội nghị giao ban về cổ phần hoá DNNN của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng lên tiếng về vấn đề này. Ông còn đề nghị muốn bán trọn lô ở Tổng công ty Công nghiệp ôtô, Tổng công ty Công trình giao thông 5, 6..., cảng Hải Phòng, Cảng Quảng Ninh...
Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thừa nhận, giá trị của việc đấu giá theo lô là tìm kiếm được nhà đầu tư đủ năng lực tham gia cải tổ quản trị doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, Bộ Tài chính vẫn còn đang nghiên cứu và hứa hẹn, sẽ phối hợp với các bộ ngành khác để tạo khung pháp lý cho hình thức này.
Đấu giá CPH vẫn nhiều thất bại
Việc bán lẻ tẻ vốn Nhà nước chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ thoái vốn Nhà nước qua đấu giá trên sàn chứng khoán vẫn còn thấp. Nếu như 4 năm qua, 2011-2014, tỷ lệ thành công bán đấu giá cổ phần hoá từ 51-66% thì quý I vừa qua, tỷ lệ này chỉ đạt có 40%.
Tại SCIC hiện nay, theo ông Hoàng Văn Ngọc, mới hoàn thành được 70% kế hoạch bán vốn. Số thu được hơn 6.000 tỷ đồng từ bán vốn, giá trị thu về cao hơn giá vốn 2,2 lần. Tuy vậy, trong số gần 1.000 doanh nghiệp mà SCIC tiếp nhận, có nhiều DN khó khăn, thua lỗ liên tục nên việc bán vốn khó khăn.
Việc bán lẻ tẻ vốn Nhà nước chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ thoái vốn Nhà nước qua đấu giá trên sàn chứng khoán vẫn còn thấp. |
Ngoài ra, bản thân cách "chào hàng" của nhiều doanh nghiệp Nhà nước cũng đang có vấn đề.
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phân tích, thời gian công bố thông tin chỉ có 20 ngày trước thời điểm đấu giá, quá ngắn để nhà đầu tư cận thông tin đầy đủ và chuẩn bị đủ vốn để tham gia đấu giá.
Trong khi đó, nhiều trường hợp, hồ sơ công bố thông tin của doanh nghiệp quá sơ sài, chỉ gồm những thông tin cơ bản nhất, thiếu rất nhiều thông tin quan trọng để nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định. Trong việc này, doanh nghiệp muốn bán vốn cũng có thiếu sót. Còn nhà đầu tư muốn tìm hiểu kỹ doanh nghiệp hơn cũng không có cách nào để tiếp cận.
"Tới đây, khi số doanh nghiệp thoái vốn qua sàn chứng khoán sẽ nhiều hơn, mức độ cạnh tranh thu hút vốn sẽ rất cao nên các doanh nghiệp cũng cần cởi mở, công khai thông tin sớm và đầy đủ hơn thì mới có thể thành công", ông Hải khuyến nghị.