Dứt bỏ gánh nặng, ông lớn ngân hàng vượt đỉnh 10 năm

08/03/2021 13:38:00

Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh trong cả năm qua nhờ kết quả kinh doanh và triển vọng tốt. Cổ phiếu ngành ‘bank’ đã trở thành trụ đỡ trên thị trường chứng khoán.

JP Morgan gần đây đưa ra đánh giá, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hấp dẫn nhất khu vực ASEAN với nhiều cái tên ngân hàng tư nhân được nhắc tới.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán với nhiều con số tích cực và điều này dường như đã phản ánh vào tăng giá của SHB trong thời gian qua.

Năm 2020, SHB là một trong những mã cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành ngân hàng với mức tỷ suất sinh lời gần 218%. Trên thị trường chứng khoán, hiện tại cổ phiếu đang tích luỹ ở 16.000 đồng chuẩn bị cho một chu kỳ mới, vốn hoá thị trường đạt hơn 27.700 tỷ đồng.

Báo cáo cho thấy, SHB đã hoàn thành cơ bản các tồn đọng từ vụ sáp nhập Habubank vào SHB giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu 1,7% thấp nhất trong vòng 10 năm qua, ‘đệm’ dự phòng nợ xấu đạt mức 70% nhờ tăng cường trích lập dự phòng. Cùng với đó là mức lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm qua.

Lợi nhuận trước thuế của SHB năm 2020 đạt 3.268 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 15,4%. NIM đạt 2,8%, tăng 0,8% so với năm 2019. Đây cũng là kết quả kinh doanh tốt nhất trong thời gian qua của SHB.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của SHB đạt hơn 412 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2019. Vốn tự có đạt 37.727 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 24.393 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt hơn 17.500 tỷ đồng.

Dứt bỏ gánh nặng, ông lớn ngân hàng vượt đỉnh 10 năm
Cổ phiếu ngân hàng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Những năm qua, SHB liên tục tăng trưởng và đầu tư lớn cho công nghệ, dịch vụ và phát triển khách hàng để bước vào giai đoạn tăng trưởng mới khi các gánh nặng của giai đoạn cũ được dứt bỏ.

Năm 2020, phần lớn các ngân hàng khác chưa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán nhưng trong báo cáo tự lập nhiều ngân hàng ghi nhận 2020 là năm vượt qua khó khăn thành công.

ABBank của ông Vũ Văn Tiền ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2020 đạt 1.368 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2019 và đạt 101% kế hoạch năm 2020. MBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp: 1,09%.  VietinBank - CTG có lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 là 17,07 nghìn tỷ đồng.

Trong một năm qua, các cổ phiếu ngân hàng đã bứt phá mạnh mẽ. CTG - VietinBank và ACB tăng gấp khoảng 2 lần; Techcombank (TCB) tăng hơn 2 lần; VPBank (VPB) tăng gần 3 lần...

Sở dĩ cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh và được kỳ vọng là trụ cột cho thị trường trong thời gian tới là nhờ triển vọng năm 2021 của ngành tài chính-ngân hàng.Và bản thân các ngân hàng cũng có bước chuẩn bị tốt cho các tình huống khó khăn.

Năm 2020, SHB đã trích lập 4.534 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, trong đó phần lớn là nợ xấu của Habubank. Việc tăng cường chi phí dự phòng giúp cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại 31/12/2020 của SHB ở mức 70%. Điều này sẽ giúp ngân hàng nâng cao tính an toàn cho chất lượng tài sản, chống chịu tốt hơn trong các tình huống do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lợi nhuận sẽ ổn định hơn bởi áp lực trích lập dự phòng ít hơn. Mục tiêu đến cuối năm 2022, SHB không còn trái phiếu VAMC.

Báo cáo chiến lược năm 2021 của VNDirect dự báo lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng vào năm sau. VNDirect kỳ vọng tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục cao và NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tín dụng.

Theo JP Morgan, các ngân hàng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng và ROE cao nhất trong khu vực ASEAN. JP Morgan kỳ vọng tốc độ tăng trưởng EPS bình quân trong giai đoạn 2020-2023 của ngành ngân hàng Việt Nam đạt mức 16%. Điều này sẽ dẫn tới kỳ vọng giá cổ phiếu tăng từ 8-42% trong suốt năm, và có thể là cao hơn trong 3 năm tới.

Triển vọng của cổ phiếu ngân hàng được cho là sẽ tươi sáng hơn khi mà nhiều dự báo cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Pyn Elite Fund dự báo tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam sẽ rất tích cực và chỉ số VN-Index sẽ sớm cán mốc 1.800 điểm trong một vài năm tới, vượt qua đỉnh cũ 1.200 điểm.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index đang ở quanh ngưỡng 1.170 điểm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo VCBS, CTCK này duy trì quan điểm rằng VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng dao động tích lũy đi ngang trong vùng 1.150-1.180 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời có thể sẽ gia tăng trong các phiên tới khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự quanh 1.200 điểm và các chỉ báo kĩ thuật chưa xuất hiện tín hiệu hỗ trợ cho việc vượt đỉnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/3, các chỉ số chứng khoán biến động ít. VN-Index tăng nhẹ lên mức 1.169 điểm; HNX-Index ở mức gần 260 điểm. Upcom-Index gần 79 điểm.

Theo V. Hà (VietNamNet)