Đường sắt vừa xin, vừa vay 9.000 tỉ đồng làm gì?

11/05/2017 15:39:00

Không chỉ xin Chính phủ cấp 7.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trung hạn để đầu tư cho kết cấu hạ tầng, ngành đường sắt cho biết sẽ vay thêm hơn 2.000 tỉ đồng từ các nguồn vốn tín dụng để đóng mới hàng chục đoàn tàu trong nỗ lực thay đổi diện mạo, tăng khả năng cạnh tranh.

Không chỉ xin Chính phủ cấp 7.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trung hạn để đầu tư cho kết cấu hạ tầng, ngành đường sắt cho biết sẽ vay thêm hơn 2.000 tỉ đồng từ các nguồn vốn tín dụng để đóng mới hàng chục đoàn tàu trong nỗ lực thay đổi diện mạo, tăng khả năng cạnh tranh.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt cho biết bước đầu đã làm với các tổ chức tín dụng và từ nay đến trước ngày 31.12, Tổng công ty sẽ đóng mới 5 đoàn tàu và sang năm 2018 sẽ đóng thêm 7-10 đoàn tàu với chi phí từ 100 đến 120 tỉ đồng/đoàn tàu, đồng thời đầu tư 100 đầu máy mới trong đó có 50 đầu máy nhập nguyên chiếc và 50 đầu máy nhập động cơ để gia công lắp ráp tại Việt Nam. Tổng số vốn vay từ nay tới năm 2020 vào khoảng 5.000 tỉ đồng nhưng trước mắt sẽ vay hơn 2.000 tỉ đồng.

Đại diện Tổng công ty khẳng định sẽ mạnh tay đầu tư để làm mới các đoàn tàu, toa xe, nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách hàng. Ngành đường sắt sẽ không dồn lực để rút ngắn thời gian chạy tàu mà tiến hành đa dạng hoá dịch vụ, áp chính sách giá linh hoạt, điều chỉnh lại giờ tàu và tâp trung cho các tuyến trung bình hiệu quả.

Được biết các tàu đóng mới sẽ có các khoang hạng nhất như máy bay với số ghế ít hơn, nội thất xịn hơn, thiết kế đẹp hơn.

Liên quan tới hệ thống nhà vệ sinh bị chê bốc mùi, đại diện Tổng công ty cho biết sẽ tháo ra để bảo hành, chỉnh sửa cho phù hợp hơn về thiết kế cũng như chất lượng và thay thiết bị vệ sinh khác vào.

Liên quan tới khoản đầu tư 7.000 tỉ từ ngân sách, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Tá Tùng cho biết, sẽ dùng để nâng cấp kết cấu hạ tầng toàn tuyến. Hiện nay, tải trọng cầu đường trên tuyến không đồng đều, khu đoạn Hà Nội - Đà Nẵng tải trọng cầu đường cho phép 4,2 tấn/m nhưng khu đoạn Đà Nẵng - Sài Gòn còn nhiều đoạn chỉ được 3,6 tấn/m.

Thực trạng này làm giảm tốc độ toàn tuyến đường sắt Bắc – Nam và toàn tuyến hiện có 1.452 cầu, trong đó có đến 697 cầu đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư. Các ga cũng phân bố không đồng đều, hiện còn 23 ga chỉ có hai đường đón gửi. Chiều dài dùng được đường đón gửi ngắn, phần lớn 350 - 400m. Ngoài ra còn tới 1.047 đường ngang, gần 3.000 đường dân sinh cũng cần đầu tư nâng cấp.

Do đó, khoản ngân sách 7.000 tỉ được đề xuất để triển khai 4 dự án gồm: cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh có tổng mức đầu tư dự kiến 1.600 tỉ đồng; cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỉ đồng; cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỉ đồng; gia cố hầm yếu kết hợp mở mới ba ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỉ đồng.
 

Theo Khánh Hòa (Lao Động)

Nổi bật