Không bao giờ chấp nhận một chiếc bánh tàu cũ chứ không nói tới một toa tàu cũ....
Theo ông Thành, đơn vị này cũng vừa nhận được thông tin từ báo chí và thái độ của ông Thành là vô cùng bức xúc về cách làm có thể được gọi là "qua mặt" của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.
Ảnh minh họa
"Ai cho phép Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội ký văn bản gửi các bộ xin chủ trương trên mà không có sự đồng ý của phía công ty mẹ? Tôi không cho phép mua một bánh xe cũ chứ đừng nói là một toa tàu cũ. Sẽ không có một toa tàu cũ của bất kỳ nước nào được phép chạy trên đường sắt quốc gia. Tàu phải được đóng mới, đầu tư công nghệ mới. Đóng mới để tổ chức hoạt động, từng bước nâng cấp chất lượng phục vụ của đường sắt Việt Nam", Tổng Công ty đường sắt Việt Nam khẳng định.
Ông Thành còn cho biết thêm, nhằm bảo đảm cho hoạt động vận tải đường sắt, đơn vị này cũng đang tính toán với những toa xe tàu chở hàng chạy tốc độ dưới 60km/h có thể sẽ bị dừng không cho hoạt động nữa, thay vào đó sẽ nâng cấp lên tốc độ 70-80km/h.
Vì thế, người đứng đầu ngành đường sắt cho biết đã có yêu cầu Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên... thuộc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội lên làm việc ngay trong chiều nay (3/1).
Quan điểm của ông Thành là rất kiên quyết, "Việc nhốn nháo ở công ty con chúng tôi sẽ cho chấn chỉnh ngay bây giờ, nếu báo cáo không rõ ngọn ngành có thể sẽ bị cách chức ngay lập tức", ông Thành khẳng định.
Phản ứng của ông Thành xuất phát từ thông tin cho biết, đường sắt Hà Nội đang lên kế hoạch mua lại hơn 100 toa xe đã qua sử dụng hơn 20 năm của Cục Đường sắt Côn Minh về kinh doanh trong nước nhằm tiết kiệm chi phí.
Tờ VnExpress dẫn nguồn từ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho hay, đã nhận được sự chấp thuận của Công ty mẹ là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - về việc mua lại hơn 160 toa xe cũ từ Trung Quốc. Trong số này có tới 120 toa được đóng từ hơn 20 năm trước. Còn gần 20 toa mới nhất trong lô hàng cũng đã có tuổi đời 12 năm.
Đây đều là những toa xe được sử dụng trên đường ray khổ 1.000mm nên theo ngành đường sắt là phù hợp với điều kiện hạ tầng trong nước. Hiện doanh nghiệp đang xin ý kiến của hai bộ Khoa học & Công nghệ và Giao thông vận tải để được hướng dẫn về thủ tục.
Theo đơn vị này, từ giữa năm ngoái, công ty mẹ Đường sắt Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Cục Đường sắt Côn Minh và giao cho hai công ty con là TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt đứng ra thương thảo với đối tác và xúc tiến thủ tục hợp đồng.
Đại diện doanh nghiệp khẳng định các mặt hàng kể trên không nằm trong danh mục các loại vật tư đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu của Nghị định 187. Trong khi đó, Thông tư 20 mà Bộ Khoa học Công nghệ ban hành quy định điều kiện các mặt hàng cũ được nhập khẩu đã được chính cơ quan này hủy bỏ và Thông tư 23 mới thay thế văn bản này phải tới 1/7/2016 mới có hiệu lực.
Theo Lam Lam (Đất Việt)