Đường sắt "đói" vốn và dự án 7 nghìn tỷ đồng đắp chiếu

01/06/2017 08:54:00

Dự án vốn đầu tư hơn 7 nghìn tỷ đồng, ngân sách đã rót vào hơn 4 nghìn tỷ đồng nhưng đến nay vẫn không thể hoạt động. Đây là một trong những điển hình cho thực trạng lãng phí nguồn lực trong đầu tư đang được dư luận quan tâm những ngày qua.

Dự án vốn đầu tư hơn 7 nghìn tỷ đồng, ngân sách đã rót vào hơn 4 nghìn tỷ đồng nhưng đến nay vẫn không thể hoạt động. Đây là một trong những điển hình cho thực trạng lãng phí nguồn lực trong đầu tư đang được dư luận quan tâm những ngày qua.

Cỏ mọc um tùm trên nền bê tông của ga Cái Lân. Ảnh: Sỹ Lực.

Hơn 4 nghìn tỷ phơi sương

Trong quy hoạch của ngành đường sắt, tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) đến cảng Cái Lân (Quảng Ninh) đóng vai trò quan trọng. Nếu hoàn thành, dự án đảm nhận việc vận chuyển hành khách, hàng hoá dọc từ cảng biển nước sâu Cái Lân về Hà Nội rồi kết nối đi các tỉnh. Lúc thành lập, dự án còn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, hình thành nên liên hiệp các khu, cụm công nghiệp dọc QL 18 trải dài trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh mà đường sắt này chạy qua. Tuy nhiên, hơn 10 năm từ ngày triển khai, với hơn 4.536 tỷ đồng vốn ngân sách được rót ra, dự án vẫn chưa được phát huy tác dụng.

Quan sát thực tế tại ga Cái Lân, cạnh cảng nước sâu Cái Lân, toàn bộ mặt bằng ga vắng lặng, không bất kỳ lô hàng nào được đưa vào bốc dỡ. Trên sân ga kiên cố bằng bê tông, cỏ có thể mọc quá đầu người; các thanh ray bắt đầu có hiện tượng gỉ sét. Ông Nguyễn Đức Tân, Trưởng ga Cái Lân cho hay, gọi là ga nhưng từ nhiều năm nay không có hoạt động đón trả khách và hàng. Bốn cán bộ và nhân viên của ga chỉ có mỗi nhiệm vụ duy nhất là trông coi để tránh bị kẻ gian phá dỡ, trộm cắp. Đối diện ga Cái Lân, cảng Cái Lân cũng đang hoạt động cầm chừng.

Theo lãnh đạo Cục Hàng hải, cảng Cái Lân là dự án lớn được đầu tư từ ngân sách, liên thông với đường sắt. Tuy nhiên, do tuyến đường sắt chưa được khai thác nên cảng Cái Lân đang “đói hàng”. Vì vậy, Bộ GTVT phải cho Tập đoàn T&T thuê khai thác cảng nhưng “không được giá”.

Ngược tuyến đường sắt về phía Hà Nội, những đoạn dài nền đường sắt được đắp cao nhưng chưa được lắp ray như những tuyến đê chạy giữa cánh đồng. Cầu đường sắt Phả Lại (thuộc địa bàn Hải Dương), một hạng mục quan trọng của dự án đã hoàn thành nhưng chưa được lắp ray, đang hoen gỉ. Điểm dễ nhận biết nhất về sự dang dở, lãng phí của dự án này là đoạn qua địa phận Bắc Ninh.

Tại đây, một cầu vượt đường bộ của dự án đường sắt bắc qua cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhưng hai bên chưa có đường sắt, nhìn cây cầu, nhiều người nhầm tưởng là cổng chào. Tháng 1/2016, vì chiều cao cầu với mặt đường bộ không đạt, một xe tải chở hàng đâm lệch cây cầu. Cầu đã được kê kích, bắc lại nhưng vẫn tồn tại một khoảng dầm cầu bị móp.

Hiện từ ga Hạ Long vẫn có đường sắt kết nối với đường sắt Hà Nội thông qua hướng từ Hạ Long đi Kép (huyện Lạng Giang - Bắc Giang) rồi về Hà Nội trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn. Tuy nhiên, theo ông Khương Thế Duy, Phó Cục trưởng Đường sắt, việc đi theo lộ trình này mất khoảng 7,5 giờ. Ngoài ra, khổ đường ray của tuyến là 1,435 m, không thống nhất với khổ đường 1m của các tuyến khác nên khi về Hà Nội, hàng muốn đi tiếp phải chuyển tàu nên chủ hàng không sử dụng. “Chỉ có cách hoàn thiện toàn dự án Yên Viên - Cái Lân để rút ngắn 2, 2,5 giờ với quy mô đường lồng (đường ray khổ 1m lồng trong khổ 1,435 m- PV) như thiết kế, tuyến đường sắt này mới có thể phát huy tác dụng”- ông Duy cho hay.

Để lâu, đội vốn hơn 3 nghìn tỷ đồng

Dự án triển khai từ hơn 10 năm nay và được Bộ GTVT đưa vào danh sách dừng thi công theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ. Ông Khương Thế Duy cho hay, với số vốn đã giải ngân 4.536 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 7.663 của dự án, ở thời điểm dừng hoãn, dự án cần hơn 3 nghìn tỷ đồng sẽ hoàn thành. Hiện nay, dù nhiều đoạn tuyến đã hình thành, ray nhập về đủ để trải toàn bộ tuyến nhưng để hoàn tất dự án cần đến 6 nghìn tỷ đồng, vượt 3 nghìn tỷ đồng so với thời điểm dự án bị tê liệt.

Trao đổi với Tiền Phong chiều 31/5, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, trong kế hoạch vốn ngân sách trung hạn từ nay đến năm 2020, dự án này vẫn chưa được bố trí vốn để triển khai. Để hoàn thành dự án, Bộ GTVT đã xây dựng phương án kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia, đổi lại họ được được hưởng quyền khai thác dự án với thời gian dài. Tuy nhiên, hiện chưa có nhà đầu tư nào quan tâm.

“Bộ GTVT vừa báo cáo thực trạng và đề xuất giải pháp cho dự án lên Chính phủ. Hiện Bộ GTVT đang chờ, chúng tôi rất sốt ruột để đưa được dự án vào khai thác” - ông Đông nói.

Nói về con số đội vốn, ông Nguyễn Ngọc Đông cho hay: “Dự án dừng hoãn lâu nên trượt giá vật liệu, nhân công tăng. Theo tính toán năm 2016, để hoàn thành dự án cần 6.000 tỷ đồng. Nếu để lâu sẽ, dự án tiếp tục trượt giá, chưa kể cần đánh giá lại các hạng mục đã làm nhưng bị xuống cấp khi dự án chưa hoàn thành”.

“Đường sắt từ hiện đại đến rất lạc hậu”

Báo cáo trước Quốc hội ngày 30/5, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho hay: “Với một ngành đường sắt có hơn 100 tuổi, từ khi có hệ thống đường sắt của Việt Nam, chúng ta là một trong những nước rất hiếm có đường sắt hiện đại như vậy, nhưng sau 100 năm thì đường sắt của chúng ta cứ kém dần đi và cho đến hiện nay thì thực sự rất lạc hậu”. Theo Bộ trưởng GTVT, từ 2011-2015, đầu tư cho ngành đường sắt rất hạn chế với khoảng 3,18% trong cơ cấu đầu tư cho ngành giao thông. Năm 2016, vận tải đường sắt đối với hàng hoá chỉ còn 0,4%, đó là 1 trong những lý do dẫn đến chi phí vận tải rất cao so với thế giới.

Theo Sỹ Lực (Tiền Phong)

Nổi bật