Nhiều hàng hóa đã chuyển hướng trong những năm qua nhằm tránh tắc nghẽn tại các cửa ngõ lớn hoặc nguy cơ gián đoạn lao động tại các cảng Bờ Tây. Những chủ hàng khác chỉ đơn giản là tiến gần hơn đến khách hàng, sử dụng các cảng và mở các cơ sở gần các trung tâm dân số đang phát triển nhanh để giảm chi phí hậu cần.
Hàng chục cảng trên toàn nước Mỹ hưởng lợi từ sự kết hợp các xu hướng này. Nhưng chính xác thì hàng hóa đã đi đâu? Và liệu các xu hướng này có kéo dài chăng?
1. Nước lên thì thuyền lên, cảng hưởng lợi từ tình hình khởi sắc
Nhập khẩu tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch đã khiến nhiều cảng trên khắp nước Mỹ đạt khối lượng hàng hóa hàng năm kỷ lục.
Vào cuối năm 2021, 10 cảng container hàng đầu của Mỹ đã xử lý hơn 6,8 triệu TEU so với năm 2019, theo dữ liệu được thu thập bởi Supply Chain Dive. Mức tăng trưởng lượng hàng hóa đạt gấp đôi so với những gì các cảng chứng kiến trong hai năm trước đó, khi tổng lượng hàng đã tăng 2,8 triệu TEU từ năm 2017-2019.
Tuy nhiên, tăng trưởng của 10 cảng hàng đầu này không chia đều trong thời kỳ nhập khẩu tăng vọt do đại dịch.
Georgia là ví dụ về cách một khu vực phát triển nhanh có thể ảnh hưởng đến khối lượng hàng hóa của cảng. Là cơ sở sản xuất, chi phí bất động sản thấp và vị trí thuận tiện cho các hãng vận tải đã giúp bang này trở thành một trung tâm hậu cần, Griffith Lynch, giám đốc điều hành tại Cơ quan quản lý cảng Georgia, nói với Supply Chain Dive vào đầu năm nay.
“Cảng Georgia tọa lạc tại trung tâm của khu vực Đông Nam, là cảng gần nhất khu vực đô thị lớn ở Atlanta. Chúng tôi có khả năng kết nối đường sắt đáng kinh ngạc không chỉ ở miền Đông Nam mà còn đến cả vùng Trung Tây”, Lynch nói.
James Breeze, Phó chủ tịch CBRE kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu công nghiệp và hậu cần toàn cầu, nói với Supply Chain Dive rằng nhiều thị trường ở miền Đông Nam nước Mỹ đang hưởng lợi từ các xu hướng “gần hơn” đến khách hàng, nơi dân số và tăng trưởng kinh tế đang thúc đẩy lượng hàng nhập khẩu.
Breeze nói: “Bạn muốn đến gần như vậy, muốn cố gắng tiết kiệm chi phí vận chuyển. Nhập khẩu mọi thứ vào Los Angeles rồi vận chuyển bằng xe tải đi khắp đất nước là cực kỳ tốn kém”.
2. Cảng nhỏ lãi lớn
Cùng với khối lượng hàng hóa nhiều hơn, sự gia tăng nhập khẩu do đại dịch cũng dẫn đến rắc rối lớn: tắc nghẽn.
Sự chậm trễ phổ biến tại các cảng container hàng đầu đất nước, nơi xử lý hơn 80% tổng khối lượng hàng hóa của Mỹ, buộc các chủ hàng và hãng vận tải phải sáng tạo. Các hãng tàu thay đổi lịch trình, trong khi một số chủ hàng thuê tàu chuyến. Khi tình trạng tắc nghẽn diễn ra, nhiều công ty cũng chuyển sang các cửa ngõ nhỏ cách các cảng lớn một quãng đường xe tải.
Ví dụ, vào đầu năm 2022, FedEx Logistics đã bắt đầu cái mà họ gọi là “dịch vụ tránh tắc nghẽn”, bán chỗ trên các container rỗng được vận chuyển đến cảng Hueneme, phía Bắc Los Angeles, cho các chủ hàng muốn tránh bị chậm trễ tại các cảng ở Vịnh San Pedro.
Danh sách các cảng biển phát triển nhanh nhất và các thị trường bất động sản có liên quan vào năm 2022, cho thấy các cửa ngõ nhỏ khác như Port Freeport, nằm ở phía Nam Houston và cảng Philadelphia ở Bờ Đông cũng thắng lớn nhờ các đợt dịch chuyển hàng hóa.
3. Các cuộc đàm phán hợp đồng lao động ảnh hưởng đến khối lượng hàng hóa ở Bờ Tây
Ngay cả khi tình trạng tắc nghẽn và nhu cầu lắng xuống vào năm 2022, việc chuyển hướng hàng hóa vẫn không giảm tốc do nhiều chủ hàng lo ngại một rủi ro khác sắp xảy ra: khả năng gián đoạn từ các cuộc đàm phán hợp đồng lao động dọc Bờ Tây, bắt đầu vào tháng 5 năm ngoái.
Hàng chục nhóm kinh doanh đã thừa nhận xu hướng này vào đầu năm nay, cho biết trong một lá thư gửi Tổng thống Mỹ, rằng hàng hóa sẽ không quay trở lại Bờ Tây cho đến khi thỏa thuận được thông qua. Xu hướng này, kết hợp với tác động của tình trạng tắc nghẽn và thay đổi nhu cầu chung, đã góp phần mang lại lợi nhuận tại các cảng ở các bờ biển khác.
Nhưng bao nhiêu trong số những lợi ích đó đạt được bằng sự trả giá của các cảng Bờ Tây?
Hơn 1 triệu TEU mỗi năm kể từ năm 2021, theo một phân tích từ Descartes, và phần lớn lượng hàng đó đổ qua các cảng vùng Vịnh Mexico. Công ty giải pháp chuỗi cung ứng cũng nhận thấy các nhóm hàng hóa cụ thể – điện tử, đồ nội thất và máy móc – chiếm một lượng lớn hàng hóa chuyển hướng.
Chris Jones, Phó chủ tịch điều hành mảng công nghiệp và dịch vụ của Descartes cho biết: “Chúng tôi thực sự muốn nói rằng các cảng vùng Vịnh Mexico là bên hưởng lợi lớn”.
4. Dịch chuyển hàng hóa gây rung chuyển thị phần các cảng
Sự kết hợp các xu hướng trong ba năm qua đã ảnh hưởng đáng kể đến các luồng hàng hóa, góp phần định hình lại thị phần của các cảng hàng đầu nước Mỹ.
Một số cảng đã tăng thứ hạng, bao gồm các cảng ở Houston và Nam Carolina, những cảng này đã tăng tầm quan trọng khi lượng hàng tăng. Cảng New York và New Jersey cũng vậy, trở thành cảng lớn thứ 2 của nước Mỹ tính theo lượng container hàng năm vào năm 2022, sau khi lượng hàng qua cảng tăng 2 triệu TEU kể từ năm 2019.
Ngược lại, các cảng Bờ Tây bị mất lượng lớn thị phần.
Các cảng ở Seattle và Tacoma, do Liên minh Cảng biển Tây Bắc đại diện, và cảng Oakland nằm trong số ít cảng sụt giảm sản lượng vào năm 2022 so với năm 2019. Và trong khi các cảng Los Angeles và Long Beach tăng sản lượng, lợi nhuận của các cảng khác giảm khi tính thị phần kết hợp.
Liệu hàng hóa có quay lại?
Bởi vì các cảng Los Angeles và Long Beach nằm trong số những cảng lớn nhất nước Mỹ, một số nhà phân tích dự đoán các cảng vùng Vịnh San Pedro có thể lấy lại một số lượng hàng mà họ đã mất theo thời gian.
Tương tự, Breeze của CBRE cho biết các cảng Los Angeles và Long Beach sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng Mỹ.
Theo dữ liệu do Supply Chain Dive thu thập, hai cảng này đã xử lý 35% tổng lượng hàng nhập khẩu vào 12 cảng hàng đầu nước Mỹ mặc dù khối lượng hàng hóa sụt giảm vào năm 2022. Và Breeze lưu ý rằng hai cảng này vẫn là cửa ngõ gần nhất và nhanh nhất để đưa hàng hóa từ châu Á đến các thị trường đang phát triển nhanh như miền Tây Nam nước Mỹ.
Breeze nói: “Chúng tôi không thấy cư dân rời Los Angeles rồi chuyển đến Savannah. “Những gì họ cần làm bây giờ là giữ chỗ ở Los Angeles, nhưng cũng thêm một chỗ ở Savannah. Đó là một phần của cái mà chúng tôi gọi là khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng”.
Theo Ngọc Thanh (TheSaigonTimes.vn)