Đừng vỡ nợ vì tháp truyền hình

03/03/2016 14:08:56

Theo TS Đỗ Đức Định, việc xây tháp truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới thời điểm này chả khác nào “đầu thấp mà xây tháp cao”.

Theo TS Đỗ Đức Định, việc xây tháp truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới thời điểm này chả khác nào “đầu thấp mà xây tháp cao”.

Suýt vỡ nợ vì xây tháp

Dự án xây dựng tháp truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới đang nhận được sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến khác nhau. Bàn về lợi ích của việc xây dựng tháp truyền hình cao nhất nước, theo ông thì việc này có lợi cho ai?

Nó sẽ có lợi cho những người tiêu tiền của đất nước. Đó là điều dễ nhìn thấy nhất. Nó có lợi cho những người dùng tiền của đất nước đi vay để mai kia con cháu phải đi trả nợ. Nó có lợi cho những người phá hoại đất nước.

Xây một công trình nhất thế giới hẳn nó cũng khiến người ta phải tự hào?

Nhất để làm gì? Tôi đang nghĩ đến một vấn đề người nhất thế giới là ai và người bét thế giới là ai. Những người giàu nhất thế giới chắc chắn không phải là người Việt Nam. Việt Nam thuộc diện “đỉnh cao của nhóm bét” bởi vì vừa mới thoát nước thu nhập thấp nhưng vẫn nằm ở đáy các nước có thu nhập trung bình. Hơn nữa, nhìn lại những công trình to nhất thế giới, cao nhất thế giới thì thử xem nó như thế nào?

TS Đỗ Đức Định, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội.

Ý ông là sao ạ?

Tháp truyền hình ở Dubai sau khi xây xong thì đất nước đứng trước nguy cơ phá sản, may có đất nước Abu Dabi trợ giúp nên mới vực dậy được chứ lúc xây gần xong tháp là đất nước đã đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Đây là hai vương quốc lớn nhất trong 7 tiểu vương quốc Ả Rập. Rồi những quốc gia “muốn trở thành vĩ đại”, muốn làm những thứ nhất thế giới là Hy Lạp tổ chức một Worlcup hoành tráng thì sau đó đất nước phá sản, Mehico cũng tương tự.

Nhưng Nhật Bản cũng đã xây tháp truyền hình cao nhất thế giới thành công?

Nước Nhật Bản họ xây tháp truyền hình cao là bởi họ trình diễn công nghệ, quảng bá trình độ khoa học để bán công nghệ ra khắp thế giới. Còn ta có gì để trình diễn? Công nghệ thì đi mua, tiền thì đi vay. Không thể so sánh Việt Nam với Nhật Bản bởi đứng ở hai trình độ phát triển rất khác xa nhau. Thế giới chia ra nhóm phát triển theo hình kim tự tháp. Một nước ở dưới đáy kim tự tháp mà lại muốn cạnh tranh với nước ở đỉnh kim tự tháp thì liệu có ổn? Những người muốn làm hại đất nước hãy nhìn vào những tấm gương kia mà làm.

Ý tưởng điên rồ

Tôi đồng tình với ông ở việc xác định mục đích của từng việc làm. Nhật Bản phô diễn công nghệ qua tháp truyền hình, hẳn họ cũng thu lợi rất lớn nhờ bán công nghệ ra khắp thế giới?

Đúng thế, họ thể hiện sức mạnh công nghệ của mình, sau đó họ giành nhiều thị trường về công nghệ truyền hình trên thế giới. Còn chúng ta làm chắc chắn phải sử dụng công nghệ của họ chứ trong nước không thể tự làm được. Thế thì tôi tự hỏi sau khi Việt Nam xây xong tháp truyền hình cao nhất thế giới thì ai sẽ mua công nghệ ở Việt Nam? Sau khi người Việt Nam bay vào vũ trụ thì người Việt Nam cũng đâu có bán được bèo hoa dâu, dù người ta đã đem bèo hoa dâu theo vào vũ trụ. Còn Nhật Bản sau khi xây xong tháp họ bán được nhiều công nghệ như công nghệ xây dựng, lắp ráp, công nghệ truyền hình...

Vậy là ông phản đối quyết liệt việc xây tháp truyền hình cao nhất ở Việt Nam?

Nếu muốn xây một tháp cao chỉ để tiêu tiền và làm hại đất nước thì hãy xây. Còn nếu muốn phát triển đất nước thì làm tháp thấp thôi, tương đương với trình độ công nghệ, nền kinh tế. Nếu cứ muốn leo lên đỉnh kim tự tháp mà sống thì dễ ngã lắm. Tôi cho rằng đây là ý tưởng điên rồ, dở hơi. Đừng tưởng cứ bay vào vũ trụ, lên trời cao là trở thành người cao nhất thế giới.

Hẳn sẽ có nhiều người đồng tình với ông?

Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra con số Việt Nam có thể nâng mức thu nhập lên 7.000USD/người vào năm 2035, nhưng số nợ tính theo đầu người ở Việt Nam đang vượt xa cả những nước châu Phi rồi. Rồi tham nhũng thì kinh khủng. Tôi thấy buồn cười cái tư duy cái gì có tiền là làm. Chặt cây kiếm tiền được là họ chặt, xây tháp kiếm tiền được là xây.

Biến báo tiền nhà nước

Giả sử nguồn vốn đầu tư không lấy từ ngân sách, thì với tư cách là một doanh nghiệp, họ có được làm?

Tôi thấy có nhiều cái người ta biến báo tiền nhà nước thành tiền xã hội. Cộng đi cộng lại, quay trở lại vẫn là tiền nhà nước.

Ví dụ như những ưu đãi mà Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đề xuất khi xây dựng đề án này?

Tại sao có chuyện người dân một số nơi biểu tình kiện tụng đất đai, vì đất của họ bị thu hồi với giá bèo, nhưng lại được bán ra với giá vàng. Doanh nghiệp làm ăn có lãi cũng bởi sự biến báo ấy. Thế nên cứ gọi là vốn xã hội hóa nhưng về bản chất cái ông “xã hội hóa” ấy chẳng có đồng vốn nào đâu mà nó lấy vốn Nhà nước thành vốn của tư nhân, biến báo từ dạng này sang dạng khác mà thôi. Chính những ưu đãi đó là tiền chứ đâu!

Ví dụ ạ?

Ví dụ như doanh nghiệp thông thường phải đóng thuế 20% thì họ chỉ đóng 5% hoặc thậm chí là không đóng. Thế thì 15% ấy ai được hưởng? Thực ra là họ “chế biến” tiền của nhà nước và nhân dân thành tiền “xã hội hóa” do các đơn vị tham gia đóng góp vào. Tôi gọi đó là tháp truyền hình đa cấp. Rất nhiều cấp đóng tiền vào đó và rất nhiều cấp lấy tiền của người dân để đầu tư vào đó.

Ở góc độ cá nhân theo ông thì nên làm gì với đề án xây tháp truyền hình cao nhất này?

Tôi nghĩ là nên làm một cái tháp truyền hình thiết thực và cần thiết, với công nghệ hiện đại nhất chứ không phải là cao nhất. Sức đến đâu thì làm đến đấy. Nếu muốn xây tháp cao thì chọn vị trí đồi núi nào đấy để xây lên thì nó sẽ cao, chứ đừng trồng vàng trên đất sụt lún.

Trân trọng cảm ơn ông!
 

Để thực hiện dự án xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới, VTV đã có công văn xin Thủ tướng Chính phủ hàng loạt ưu đãi vốn chỉ áp dụng cho các dự án đầu tư vào những vùng đặc biệt khó khăn. Cụ thể là xin miễn hoàn trả chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng ban đầu, hạ tầng chung; xin áp dụng cơ chế ưu đãi theo hình thức giao đất, miễn 100% tiền sử dụng đất, thuế đất và miễn chi phí giải phóng mặt bằng... VTV còn đề xuất áp dụng cơ chế ưu đãi cao nhất gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo, các năm còn lại áp dụng thuế suất 10%. Miễn thuế nhập khẩu cho các vật tư, máy móc, thiết bị, vật liệu, linh kiện… phục vụ xây lắp.

Theo Tô Hội (Kienthuc.net.vn)