Chia sẻ tại Hội thảo Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng sáng 4/7, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, quy định thực hiện sinh trắc học theo Quyết định 2345 là một chiến dịch lớn, hiện hệ thống có tới 180 triệu tài khoản ngân hàng.
Đến 17h chiều 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được các ngân hàng đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học Bộ công an. Từ đó, Phó Thống đốc cho rằng, về cơ bản đa số người có tài khoản có thể xác thực được qua điện thoại có NFC. Số ít có vướng mắc và được các ngân hàng hỗ trợ tài quầy. Hiện có ngân hàng đã làm xong xác thực 2,6 triệu tài khoản khách hàng. Có những ngân hàng ghi nhận số lượng ngày đầu tiên gấp 10-20 lần ngày bình thường.
Phó Thống đốc chia sẻ, 3 ngày qua là quãng thời gian căng thẳng với ngành ngân hàng. Trong ngày 1/7 có xảy ra ách tắc cục bộ, song sang ngày 2-3/7 đã thông suốt hơn. "Nhóm chúng tôi thường đi ngủ lúc 1 giờ sáng và dậy 6 giờ sáng. Ngày 1/7 khi QĐ 2345 hiệu lực, nhiều cán bộ trong nhóm làm đến 3 giờ sáng, kể cả tổng giám đốc ngân hàng", ông nói.
Phó Thống đốc nói: "Chúng tôi kiểm soát lượng giao dịch hàng giờ chứ không phải hàng ngày. Có biểu đồ từng ngân hàng một. Ngay lúc này tôi cũng có thể nắm được có bao nhiêu giao dịch. Trong ngày 3/7, toàn hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng có 23 triệu giao dịch, trong đó 1,9 triệu giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng, chiếm 8,2%. Ngày hôm qua, ghi nhận không có ách tắc lớn về giao dịch chuyển tiền. Thực tế đúng là ngày 1/7 có xảy ra tình trạng ách tắc cục bộ không chuyển tiền được nhưng sang ngày 3/7 đã được xử lý, hiện gần như không còn ách tắc lớn. Thực tế lượng giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 8%, nên tác động không nhiều".
Về một số lỗi xuất hiện trong những ngày đầu áp dụng sinh trắc học, chẳng hạn xuất hiện tình trạng sử dụng ảnh tĩnh, công nghệ deepfake cũng có thể thực hiện chuyển tiền, Phó thống đốc cho biết do lượng truy cập tăng đột biến, một số ngân hàng tắt hệ thống xác thực này để đảm bảo giao dịch thông suốt trong những ngày đầu tăng đột biến.
Tuy nhiên, đại diện NHNN nói rõ thêm rằng, việc quá tải ở đây là về lượng yêu cầu gửi về hệ thống ngân hàng. Do đó, khi bật chức năng này lên, lỗ hổng xác thực bằng ảnh tĩnh không còn.
Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh: "Quan điểm của tôi trong những ngày đầy là ưu tiên giao dịch thông suốt. Khi những ngân hàng áp dụng giải pháp mới để tăng bảo mật thì không có nghĩa là loại bỏ những tính năng bảo mật trước đó".
Lãnh đạo NHNN cho biết, trong thời gian tới sẽ yêu cầu các ngân hàng tiến hành làm chặt chẽ công nghệ EKYC về chống giả mạo, ảnh tĩnh, deepfake... nhằm đảm bảo giao dịch an toàn.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, một trong những yêu cầu của Quyết định 2345 là xác thực sinh trắc học. Việc này là cần thiết, vì có thêm một lớp bảo vệ nên sẽ an toàn hơn. Do đó, trong trường hợp khách hàng mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền thì cũng khó thực hiện, bởi vì có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ hay không.
"Bản chất của Quyết định 2345 chính là làm sạch tài khoản và loại bỏ tài khoản của những người không chính chủ…", Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, vào tháng 4/2023, NHNN và Bộ Công an đã tiến hành ký kết Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, trong đó có nội dung làm sạch dữ liệu khách hàng. Đặc biệt, Quyết định 2345 của NHNN được ký vào tháng 12/2023 là sự kết nối trong các giải pháp nhằm bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.
"Như vậy, giữa NHNN và Bộ Công an đã có sự chuẩn bị từ trước và có thời gian khá dài để triển khai"- Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Đại diện NHNN cho biết, thực hiện Quyết định 2345 là một chiến dịch lớn, đem lại tiện ích cho người dân. "Nếu có ai đó nói rằng vì sao NHNN không thực hiện sớm hơn cách đây 3 năm thì có thể nói chúng tôi có muốn triển khai sớm cũng không được, vì còn phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an", Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết.
PN (SHTT)