Hân Nguyễn là nhà sáng lập, CEO của Andre Gift Shop, một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ, đồ làm bằng da, đồ nhà bếp, phụ kiện,… tại Việt Nam và bán trên Amazon.
Kể từ khi chính thức bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu, Hân tiết lộ từ một căn xưởng nhỏ trên gác mái với vỏn vẹn 4 nhân viên, giờ đây họ đã vươn lên thành xưởng sản xuất rộng 300m2 với 35 nhân viên. Doanh số từ Amazon đóng góp 50% vào doanh số bán hàng trực tuyến của Andre Gift Shop trong năm 2018, và được kỳ vọng sẽ tăng lên 70% vào năm nay.
"Amazon giúp tôi tiếp cận thị trường toàn cầu rộng lớn. Chúng tôi đã cung cấp hàng trăm sản phẩm độc đáo đến tay hàng nghìn khách hàng trên Amazon. Thị trường cho sản phẩm của chúng tôi ở nước ngoài lớn hơn rất nhiều so với ở Việt Nam", Hân khẳng định.
Vài năm trước đây, những câu chuyện như của Hân thật sự khó tìm tại Việt Nam, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi, đặc biệt khi Amazon có những động thái tích cực để hỗ trợ người bán hàng đến từ Việt Nam.
Cụ thể, chiều ngày 14/11, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã ký thỏa thuận hợp tác chính thức với Amazon Global Selling- Chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon, để đưa sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới qua trang thương mại điện tử Amazon.
Với sự hợp tác này, Cục cùng phía Amazon Global Selling sẽ có những chương trình đào tạo kỹ năng để người bán hàng biết cách làm thế nào thiết kế gian hàng bắt mắt, làm thế nào đưa thông tin hiệu quả nhất, hình ảnh thu hút nhất lên website Amazon,…Thậm chí Cục trưởng Vũ Bá Phú còn khẳng định phía Cục có thể hướng dẫn thêm doanh nghiệp trong khâu hoàn thiện sản phẩm, cải tiến mẫu mã, hoàn thiện thủ tục xuất khẩu,…
"Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng như đồ gia dụng, may mặc, giày da, thủ công… là những mặt hàng có thể bán rất tốt trên Amazon. Chúng tôi đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á để xuất khẩu hàng hóa qua Amazon", ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á nhận định.
Trước đó, phía Amazon Global Selling cũng giúp doanh nghiệp Việt vượt qua trở ngại ngôn ngữ bằng cách cho ra mắt trang hướng dẫn bằng Tiếng Việt và Fanpage bằng Tiếng Việt trên Facebook, giúp các doanh nghiệp và người bán lẻ có thể tạo tài khoản trên Amazon dễ dàng hơn.
Vài năm trở lại đây, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành xu hướng toàn cầu với sự tăng trưởng từ 20 - 30%/năm và doanh số đạt hàng nghìn tỷ USD. Tại Việt Nam, thông qua Amazon, rất nhiều sản phẩm trong nước đã được người tiêu dùng thế giới biết đến như phin pha cà phê, cao sao vàng, cà phê Trung Nguyên, nón lá, nón quai thao,...
Tuy nhiên để bán hàng xuyên quốc gia thành công, vấn đề là các doanh nghiệp, nhà bán hàng từ Việt Nam cần có chiến lược xây dựng thương hiệu và duy trì chất lượng ổn định, đặc biệt cần có sự tìm hiểu kỹ càng nhu cầu khách hàng toàn cầu trước khi tung ra bất kỳ sản phẩm nào.
"Thị trường kinh doanh online quốc tế rất lớn nhưng cũng có sự cạnh tranh. Hãy nghiên cứu thị trường trước khi bạn bắt đầu để tránh phạm lỗi. Không có giới hạn nào cho các cơ hội! Điều quan trọng nhất là tin vào bản thân và bắt đầu kinh doanh", Marry Nguyễn, người đã có hơn 3 năm bán hàng trên Amazon cho biết.
Theo Hồng Lam (Soha/Trí Thức Trẻ)