Sáng sớm nay, một thùng xốp đầy ắp những túi cua đồng xay sẵn được chị Đào Thị Chương ở Thanh Xuân (Hà Nội) ngồi chia ra các túi nilon nhỏ, để cùng với rau đay, mồng tơi và mướp. Đây là một set đồ đầy đủ để nấu món canh cua đồng mà chị chuẩn bị giao cho khách đặt.
Chị Chương cho biết, hơn chục năm nay chị bán cua đồng ở một chợ gần nhà. Khách ra chợ mua cua, có người tự đem về làm, cũng có người nhờ chị tách cua rồi xay sẵn. Vào mùa hè cao điểm, ngày chị bán hết cả tạ cua.
Từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chợ khá thưa người. Đặc biệt là những tuần gần đây, khi Thủ đô áp dụng thẻ đi chợ, khách càng vắng hơn, người mua cua theo đó cũng ít. “Cua đồng nếu làm lẩu riêu thì phải mua rất nhiều đồ nấu kèm. Nếu muốn nấu canh cũng phải có thêm mớ rau đay, mồng tơi hay quả mướp. Giờ ra chợ ai cũng tính mua hơn giản, nhanh gọn nên cua ế”, chị nói.
Ngồi cả ngày, chị Chương chỉ bán được vài cân nên chị tạm nghỉ chợ, ở nhà đăng bán cua đồng online. Mấy ngày đầu, chỉ người dân quanh khu chị ở đặt mua, số lượng không nhiều. Phần lớn khách đều hỏi có bán kèm rau không, bởi nếu không, họ lại phải ra chợ mua. Mà những ngày này, ai cũng có tâm lý ngại ra ngoài.
Thấy nhiều người hỏi vậy, chị quyết định bán cua đồng theo set đầy đủ, gồm cua xay đóng sẵn vào túi nhỏ, kèm rau đay, mồng tơi và mướp. Số lượng nhiều hay ít tuỳ khách đặt. Nhờ đó, lượng đơn đặt cua tăng mạnh, từ 10-20 kg/ngày nay tăng lên 50-60 kg/ngày.
“Đợt này đặt shipper đi giao hàng rất khó. Tôi chỉ nhận đơn trong quận, ngoài quận tôi từ chối bởi có đặt được shipper thì giá cũng rất cao”, chị chia sẻ.
Vốn là dân bán hoa tươi online, những ngày này, chị Huyền cũng chuyển sang bán thực phẩm online, còn hoa tươi thì tạm ngừng.
Theo chị Huyền, nhu cầu mua thực phẩm online tăng mạnh khi Hà Nội giãn cách xã hội. Thế nhưng, tâm lý phần đông đều muốn đặt mua một nơi đầy đủ các món để không phải đặt nhiều lần, cũng đỡ tiền ship đắt đỏ.
Đây là lý do khiến chị bán nhiều loại thực phẩm cùng với gia vị, rau kèm theo. Ví như, thịt vịt chạy đồng kèm sấu và rau thơm chị bán 180.000 đồng/kg; thịt lợn mán kèm gói rau gia vị (riềng, sả, lá mắc mật) và gói nước sốt để tẩm ướp, giá 240.000 đồng/kg ba chỉ, 160.000 đồng/kg chân giò,... Tất cả đều được chị đóng túi, hút chân không để khách dễ bảo quản.
Với thịt lợn mán, đầu mối giết mổ ở Hoà Bình pha sẵn và chuẩn bị túi rau gia vị kèm theo luôn. Còn vịt chạy đồng họ chỉ giết mổ sạch, riêng sấu và rau thơm chị tự mua về rồi chia ra bán kèm theo.
Dịp này, ngoài bán thịt, chị Huyền còn bán kèm một số loại rau quả khác như lê, thanh long, khoai lang, bí quả, ngô, sắn,... để khách tiện mua. Các mặt hàng từ thịt đến rau quả chị cũng bán xoay vòng để khách đổi món, đỡ chán.
“Khách đều đặt đơn lớn. Có người đặt 2-3kg, vịt đặt 1-2 con, rồi thêm vài cân hoa quả để dùng dần. Đặt nhiều tôi sẽ miễn phí ship”, chị nói. Thịt lợn mán hai ngày mới về một chuyến, thịt vịt cũng vậy. Chị tiết lộ, riêng hai mặt hàng này lượng chị bán ra lên tới trên dưới nửa tấn mỗi tuần. Đó là chưa kể lượng rau củ, trái cây chị bán mỗi ngày được cả tạ.
Nhiều cửa hàng thực phẩm cũng đang bán hàng theo combo đầy đủ từ thịt, cá, trứng, rau củ, trái cây... cho tới cọng hành, củ tỏi. Các combo này được chia làm nhiều loại để phù hợp với gia đình ít hay đông người. Một lần đặt combo có thể đủ thực phẩm ăn từ 3-5 ngày tuỳ chọn..
Anh Lê Văn Tuyến, quản lý một hệ thống cửa hàng thực phẩm ở Hà Nội, cho biết, combo thực phẩm được cửa hàng bán từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội và áp thẻ đi chợ. Các loại rau quả, thịt cá,... trong combo cũng được thay đổi liên tục.
“Ngày trước gọi shipper rất dễ nên bán lẻ từng loại được. Giờ shipper khó gọi, phí đắt nên bán combo sẽ tiện cho cả cửa hàng và khách. Đặt mua một lần đủ thực phẩm cho vài ngày”, anh Tuyến chia sẻ.
Cũng theo anh, việc bán theo combo không phải chiêu mới, nhưng lại rất hợp với những ngày mọi người hạn chế ra ngoài. Thế nên, hệ thống cửa hàng của anh, ngoài bán lẻ theo từng mặt hàng, mỗi ngày còn bán 300-400 combo thực phẩm.
Theo Châu Giang (VietNamNet)