Dầu mỏ thất thế
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế thị trường Việt Nam tháng 11 của Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu HSBC, dầu thô đã không còn là một nhân tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Sản lượng khai khoáng các nhiên liệu hóa thạch đã giảm rõ rệt trong 2 năm vừa dẫn đến đóng góp của ngành này vào GDP đã chuyển sang âm trong suốt thời gian qua.
Năm nay, sản lượng dầu mỏ của Việt Nam tính đến tháng 9 vừa qua ước tính khoảng 1,06 triệu tấn (khoảng 259.000 thùng một ngày), cũng không mấy khả quan. Sản lượng này đã giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước và 11% nếu tính từ đầu năm đến nay.
Điều này thật sự rất khác biệt so với thập kỷ trước (2000 – 2010) khi xuất khẩu dầu thô là một trong những động lực chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cùng với mặt hàng dệt may và những hàng hóa khác ví dụ như nông sản.
Du lịch bứt phá, thành đầu tàu tăng trưởng
Ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang chuyển hướng không phụ thuộc vảo dầu thô. Việt Nam đang tìm kiếm những kênh tăng trưởng mới trong bối cảnh sản lượng dầu mỏ giảm sút.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu tại cuộc họp với những nhà lập pháp rằng sản lượng dầu mỏ trong năm 2017 sẽ giảm khoảng 3 triệu tấn tương đương với với mức giảm 0,25% GDP. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý rằng, ngành du lịch và những ngành dịch vụ liên quan có thể bù đắp cho sự sụt giảm của sản lượng dầu thô do tăng trưởng của ngành du lịch trong nền kinh tế.
Không chỉ vậy, báo cáo còn chỉ ra rằng, Chính phủ trong năm vừa qua cũng đã ban hành chương trình miễn thị thực để thu hút nhiều khách du lịch tới Việt Nam hơn và điều này dường như đã có hiệu quả.
Vì vậy, chúng ta có thể tiếp tục lạc quan về ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam và kỳ vọng số lượng du khách sẽ vượt qua 10 triệu người trong thời gian tới. Bởi Việt Nam đã làm được điều này trong năm 2016 và đang có khuynh hướng lặp lại trong năm nay nếu như chương trình miễn thị thực được ban hành rộng rãi hơn, cơ sở hạ tầng được tiếp tục cải thiện và môi trường kinh tế và chính trị ở các nước khác vẫn thuận lợi.
Động thái đáng chú ý của Chính phủ Việt Nam được báo cáo chỉ ra đó là, ngành du lịch Việt Nam dường như đang tiếp tục phát triển khi Chính phủ gần đây áp dụng các biện pháp tự do hóa.
Năm 2016, Chính phủ giới thiệu chương trình miễn thị thực cho năm quốc gia ở châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh) thu hút lượng du khách từ châu Âu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng 21% so với năm trước, và chương trình này sẽ được gia hạn đến năm 2018.
Ngoài ra, gần 70% lượng khách du lịch đến Việt Nam là từ các quốc gia châu Á khác, đứng đầu là Trung Quốc và Hàn Quốc. Con số này đã tăng đáng kể trong vài năm gần đây.
Từ hồi đầu năm, Việt Nam đã áp dụng quy trình cấp visa đơn giản cho công dân Trung Quốc bao gồm thủ tục xin thị thực trực tuyến cho du khách Trung Quốc du lịch ngắn ngày và ba ngày miễn thị thực cho du khách Trung Quốc nhập cảnh từ cửa khẩu Quảng Ninh. Kết quả là Việt Nam đã chào đón lượng du khách kỷ lục hơn 10 triệu người trong năm 2016 và con số này sẽ dễ dàng được vượt qua trong năm 2017.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, doanh thu ngành du lịch đạt được gần 16,5 tỷ USD trong chín tháng đầu năm nay, tăng 26,5% so với năm 2016. Các ngành dịch vụ của Việt Nam cũng đã đã hưởng lợi với tăng trưởng đạt mức nhanh nhất kể từ năm 2013. Đặc biệt ngành du lịch đã hỗ trợ cho các ngành vận tải và nhà ở khi ngành vận tải có mức tăng trưởng nhanh nhất trong bốn năm qua.
Để học tập Thái Lan trong việc phát triển du lịch thì còn nhiều điều phải làm, nhưng Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong vài năm tới nếu như chương trình miễn thị thực còn tiếp tục, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện và môi trường kinh tế và chính trị tại các nước khác thuận lợi.
Theo Thế Hưng (Dân Trí)