Tại cuộc họp, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết: “Theo tính toán ban đầu, ngành du lịch thành phố thiệt hại khoảng 20.000 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra. Nếu tình hình kiểm soát và dập dịch tốt thì khoảng tháng 6 mới có dấu hiệu phục hồi, còn không sẽ mất nguyên năm 2020”.
Theo ông Dũng, để kích cầu du lịch cần có những sản phẩm du lịch mới. Trong đó, cần mở rộng các dịch vụ du lịch liên quan đến đường sông, biển, ẩm thực, các điểm đến văn hoá, lịch sử…
Ông viện dẫn, trong thực tế, Tập đoàn Sun Group muốn thúc đẩy, đẩy mạnh vào hoạt động của công viên Châu Á theo hình thức công viên mở. Tức, công viên này sẽ được miễn phí vé. Người dân muốn sử dụng dịch vụ nào thì trả tiền cho dịch vụ đó.
Ngoài ra, để kích cầu du lịch, các điểm tham quan ở thành phố quản lý cần giảm hoặc miễn phí vé tham quan như Bảo tàng Chăm và Khu di tích Ngũ Hành Sơn. “Lưu ý giảm giá kích cầu du lịch giảm từ 30 đến 50% nhưng không giảm chất lượng dịch vụ”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tiết lộ, số lượng khách du lịch giảm ước tính từ 50 đến 60%, có những doanh nghiệp, khách giảm đến 90%.
Ông Bình kiến nghị TP Đà Nẵng nên kiến nghị Trung ương xem xét trong thời gian nhất định, thực hiện đồng bộ các giải pháp như giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nhgiệp và giãn thời gian nộp thuế cho các ngành nghề liên quan bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19.
Trung ương cũng cần có gói hỗ trợ lãi suất từ tháng 4 đến cuối năm 2020 cho các doanh nghiệp kinh doanh trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề với mức giảm phần trăm lãi rõ ràng, hỗ trợ thông qua các ngân hàng thương mại và các quỹ như khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008.
Doanh nghiệp phải tự cứu mình
Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng lại cho rằng, trong khoảng thời gian này, quan trọng nhất là các doanh nghiệp tự cứu mình và phải bằng tâm thế chủ động. Trước đây, các doanh nghiệp lãi 10 thì nay nên chấp nhận giảm lãi xuống và miễn sao doanh nghiệp vẫn hoạt động, tồn tại.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc công ty VCCI Đà Nẵng đề nghị, TP Đà Nẵng nên lấy Quỹ Đầu tư phát triển của TP hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để giảm chi phí tiếp cận vốn trong thời kỳ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra.
Ngoài ra, ông Quang đề xuất về vấn đề giải quyết lao động trong và hậu dịch bệnh, nhất là giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19, trong đó quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ phát triển đầu tư cần phát huy và triển khai ngay. Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu cũng cần song song đẩy nhanh để hàng hóa sớm lưu thông. Thuế nhập khẩu không nhỏ nên cần giảm để doanh nghiệp có thêm dòng tiền.
Cũng trong cuộc họp, ông Lương Công Tuấn, Phó chánh Thanh tra TP Đà Nẵng cho hay, đơn vị đã báo cáo UBND TP cho tạm hoãn tất cả các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được duyệt 2020 với 2 nhóm đối tượng là doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức.
Việc dừng thanh tra để các doanh nghiệp xoay sở các phương án làm ăn, đối với cơ quan, tổ chức thì để tập trung phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị. Đối với những trường hợp cần tiến hành thanh tra nhằm bảo đảm kịp thời công tác quản lý nhà nước trong thời gian cụ thể thì báo cáo Chủ tịch UBND TP quyết định.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp vì dịch Covid-19 gây ra. Chính quyền TP Đà Nẵng xác định, địa phương vừa phòng, chống dịch vừa hỗ trợ phát triển kinh tế.
Ông Minh đề nghị các ngành thuế, hải quan, quản lý thị trường… cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này bằng cách giảm, giãn kế hoạch thanh tra. Riêng các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm vẫn phải xử lý theo quy định.
Vị này cho biết thêm, dịch Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn nhưng TP Đà Nẵng vẫn chuẩn bị công bố điểm đến an toàn về du lịch. “Còn việc miễn phí, lệ phí thì doanh nghiệp không cần phải lo, cứ kích cầu, khuyến khích khách du lịch đến TP trước đã”, ông Minh nói.
Theo Nguyễn Duy Cường (Nguoiduatin.vn)