Các đơn vị lữ hành đang xem xét việc xử phạt các du khách có hành vi phản cảm, thậm chí "cấm cửa" đối với khách nghi ngờ bỏ trốn hay mắc lỗi nghiêm trọng như ăn cắp, gây gổ đánh nhau, chửi bậy. Đừng để hình ảnh người Việt xấu xí như khách Trung Quốc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nói.
Một năm nhìn lại Chiến dịch Nâng cao hình ảnh du khách Việt, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho hay, sau khi phát động, chiến dịch đã mang lại hiệu ứng tích cực. Không chỉ ngành du lịch mà nhiều bộ ngành, địa phương cũng tham gia để người dân nâng cao ý thức, có hành ứng xử văn minh trong tất cả các hoạt động của xã hội.
Điển hình, Hà Nội đã ban hành bộ quy tắc ứng xử với cán bộ công chức trong bộ máy hành chính. Quảng Ninh có chương trình “Nụ cười Hạ Long”. Đà Nẵng yêu cầu du khách tôn trọng văn hóa phong tục địa phương, Phú Yên ra bộ quy tắc ứng xử, TP.HCM nhắc nhở khách bảo vệ môi trường,... Một số DN cũng rất tích cực hưởng ứng phong trào này như Transviet, Vietravel, Hanoitourist, Hanoi Redtours,...
Người Việt Nam đi du lịch ngày càng nhiều |
Tuy nhiên, đánh giá của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho thấy, ngoài việc hạn chế những hành vi phản cảm của người dân khi đi du lịch, song giảm không có nghĩa là không còn.
Điển hình là hình ảnh hai thanh niên chụp ảnh khỏa thân ở đỉnh Pha Luông, Sơn La hồi tháng 10/2016; việc du khách vẽ, viết bậy lên đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (Huế) - một bảo vật quốc gia; khách xả rác ở quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt), ăn mặc phản cảm khi đi chùa hồi đầu năm nay,...
Anh Nguyên, một hướng dẫn viên từng đưa khách đi du lịch hơn 20 quốc gia, cho hay, anh bức xúc nhất với những hành vi không chấp hành luật lệ giao thông, không xếp hàng, gây tiếng ồn hay chửi bậy, thiếu ý thức khi ăn buffet, xả rác bừa bãi, thiếu tôn trọng HDV và những người làm dịch vụ du lịch của du khách Việt.
“Chúng ta cứ chê khách Trung Quốc đi đâu cũng ồn ào, xả rác bừa bãi, tranh nhau khi ăn buffet, nhưng người Việt cũng xấu xí chẳng kém”, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung nhận xét.
Thực trạng này buộc các địa phương và lữ hành nhanh chóng vào cuộc. Đà Nẵng giữa năm ngoái đã phát hành 5.000 bộ quy tắc ứng xử bằng tiếng Trung (trước đó có tiếng Anh và tiếng Việt) cho du khách, phát video tuyên truyền tại nơi công cộng. TP.HCM cũng phát hành 75.000 bản quy tắc cho du khách theo hai đợt, tháng 1 và tháng 6/2017 tới đây, bằng 5 thứ tiếng. Lào Cai phát các clip hướng dẫn ứng xử cho du khách từ tháng 2. Riêng Đà Nẵng, Nha Trang thì cho du khách mượn váy quây khi vãn cảnh chùa,...
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó GĐ Sở VH-TT&DL, cho hay, quy tắc ứng xử cho du khách được xây dựng dựa trên 6 địa bàn: cộng đồng dân cư, nơi công cộng, các cơ quan hành chính, các DN, các cơ sở y tế và cơ sở giáo dục. Tất cả những ai sinh sống, học tập, du lịch hoặc lưu trú trên địa bàn thành phố, nếu vi phạm, sẽ bị phạt.
Hà Nội sẽ cho in ấn những cuốn sách mỏng để khách bỏ túi, dễ xem, dễ nghiên cứu. Bộ quy tắc cũng được đưa lên tất cả màn hình led ở thành phố, kể cả màn hình quảng cáo ở các trung tâm thương mại, siêu thị, nơi vui chơi,... nhằm phổ biến khắp mọi tầng lớp, đến từng người dân, tiến tới đưa vào giáo dục chính khóa trong các trường phổ thông.
Đại diện đơn vị lữ hành ở Hà Nội phát biểu tại tọa đàm "Chiến dịch Nâng cao hình ảnh du khách Việt - một năm nhìn lại". |
Từ chối tiếp nhận khách mắc lỗi nghiêm trọng
Về phía các đơn vị lữ hành, hầu hết đại diện các DN đều cho rằng, ngoài việc triển khai bộ quy tắc tới hàng trăm nghìn du khách trước đi du lịch, thì cần có chế tài xử phạt những hành khách vi phạm. Chẳng hạn như ở Singapore, chỉ cần vứt một mẩu thuốc lá ra đường, khách đã bị phạt tới 500 USD.
Trong khi tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc công ty du lịch Transviet, bộ quy tắc mới chỉ là khuyến nghị, thuyết phục khách thực hiện; khách không làm theo cũng chịu.
Vì thế, ông Đạt cho rằng, cần phải có chế tài xử phạt thật nghiêm đối với du khách có những hành vi vi phạm nghiêm trọng, tái diễn nhiều lần, như phối hợp với hàng không, công an cấm xuất nhập cảnh trong một thời gian hoặc vĩnh viễn, xử phạt cả công ty du lịch có vi phạm.
Vì vậy, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, kiến nghị, nên pháp lý hóa các quy định này trong nội bộ công ty, thành chế tài thì vẫn có thể phạt được.
Song, cần xác định xem dòng khách nước ngoài hoặc những đối tượng khách Việt Nam đến nước nào hay vi phạm để tuyên truyền phổ biến sâu rộng. Hay, yêu cầu các điểm đến ra quy định cụ thể đối với du khách, trong đó nên có tiếng Trung.
Còn theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Công ty Hanoi Redtours, chỉ một vài người ứng xử không văn minh lập tức sẽ xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến mọi người và cả đoàn phải giải quyết, như vi phạm giao thông, luật pháp nước sở tại,...
Tuy nhiên, hầu hết đại diện các đơn vị lữ hành đều cho rằng, bản quy tắc còn dài, khó đọc, khó nhớ, nhất là khi dịch ra tiếng nước ngoài. Nên biểu tượng hóa bằng ký hiệu, đặt ở vị trí dễ thấy cho du khách biết.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết, ngoài các địa phương, doanh nghiệp, Bộ VH-TT&DL tháng 3 cũng vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh cho người dân khi đi du lịch.
Tuy nhiên, ông Chung lưu ý, về phương thức thực hiện, không nên chỉ dừng ở chiến dịch (giai đoạn ngắn rồi kết thúc) mà coi đây là cuộc vận động lâu dài, thường xuyên, bền bỉ, gắn liền với quá trình nâng cao ứng xử, văn hóa văn minh của người Việt khi hội nhập quốc tế. Có cách làm, bước đi phù hợp từng giai đoạn, kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp sẽ thành công.
Theo Ngọc Hà (VietNamNet)